Sớm tinh gọn các ban chỉ đạo
Đời sống - Ngày đăng : 07:35, 09/09/2017
Theo báo cáo của Văn phòng UBND thành phố, hiện nay, Hà Nội còn 108 ban chỉ đạo được coi là có hoạt động. Nhưng thực tế, có những việc các cơ quan, sở, ngành đã và đang hoàn toàn chủ động giải quyết hoặc có thể làm tốt công tác tham mưu, báo cáo lãnh đạo UBND thành phố để có sự chỉ đạo chung. Trong những mảng việc như vậy không nhất thiết phải có ban chỉ đạo. Ngoài ra, một số ban được thành lập đã lâu, nay không còn phù hợp, không còn vai trò nhưng vẫn chưa bị giải thể. Cá biệt, không ít ngành còn tồn tại nhiều ban để phục vụ những phần việc rất nhỏ.
Chẳng hạn, riêng lĩnh vực xây dựng, phát triển, quản lý mạng lưới điện, ngành Điện lực có 5 ban chỉ đạo... Đúng như nhận xét của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung: “Hà Nội có quá nhiều ban chỉ đạo”. Có nhiều ban chỉ đạo ắt có họp nhiều. Thậm chí nhiều cán bộ không nhớ hết mình là thành viên của những ban chỉ đạo nào. Điều đó cho thấy, nhiều cán bộ không thực sự tham gia đóng góp, không chỉ đạo, điều hành và hiệu quả nhiều ban không cao, gây lãng phí...
Từ thực tế đó, dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố, Chánh Văn phòng UBND thành phố Phạm Quí Tiên cho biết, đơn vị đã đề xuất kiện toàn các ban chỉ đạo theo hướng sáp nhập những ban trùng lặp, chung cơ quan thường trực, đồng thời mạnh dạn giải thể những ban không phù hợp. “Thành phố sẽ chỉ giữ lại những ban chỉ đạo mà Trung ương quy định phải thành lập để xuyên suốt trong điều hành từ trung ương, bảo đảm sự đồng nhất giữa các tỉnh, thành” - ông Phạm Quí Tiên cho hay.
Cụ thể, phương án được Văn phòng UBND thành phố đề xuất là giữ nguyên 40 ban chỉ đạo, sáp nhập 27 ban thành 8 ban, giải thể 41 ban. Theo phương án này, hệ thống các ban chỉ đạo sẽ được tinh gọn còn 48 ban. Đánh giá việc làm này, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho rằng, Hà Nội đã và đang triển khai quyết liệt việc tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, vì vậy có thể giảm thêm số ban chỉ đạo nếu thấy cần thiết. Bên cạnh đó, với đặc thù của Thủ đô, Hà Nội cũng có thể thành lập thêm ban chỉ đạo phục vụ các nhiệm vụ cấp thiết như thu hút FDI, dự án lớn...
Trên bình diện chung, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, từ đầu năm 2017, lãnh đạo UBND thành phố đã chỉ đạo Văn phòng UBND thành phố và các sở, ngành rà soát, củng cố các ban chỉ đạo để hoạt động hiệu quả hơn. Quan điểm chỉ đạo là, các vấn đề về một ngành thì chung một ban chỉ đạo; các hoạt động kinh tế có thể gộp chung vào một ban, giao một người chuyên trách một mảng. Khẳng định, Ban Chỉ đạo 197 thời gian qua đã quán xuyến rất nhiều phần việc liên quan an ninh, an toàn, trật tự đô thị, trật tự giao thông, vệ sinh môi trường, lãnh đạo thành phố cho rằng, việc gom các ban chỉ đạo sẽ giảm tải cho các sở cũng như nâng cao hiệu quả công tác.
Song, công tác rà soát, đánh giá tổng thể, từ đó chốt phương án cuối cùng để sáp nhập, giải thể hay thành lập ban chỉ đạo trên những lĩnh vực mới, lớn, cần thêm thời gian. Vì vậy, Chủ tịch UBND thành phố lưu ý, không triển khai vội vàng, dẫn đến thiếu sót. Văn phòng UBND thành phố cùng các sở, ngành vẫn cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để tìm phương án tối ưu. Đi đôi với đó, các cơ quan liên quan cần đánh giá tổng thể hiệu quả của các ban chỉ đạo, xem xét điều chỉnh những mục tiêu đề ra, bổ sung, hoàn thiện quy chế hoạt động cũng như kiện toàn nhân sự. Chỉ khi đó, các ban chỉ đạo mới thực sự phát huy được vai trò là trung tâm chỉ huy, điều hành các mặt công tác quan trọng, góp phần thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ phát triển Thủ đô.