Biến rác thải thành điện năng
Kinh tế - Ngày đăng : 07:47, 09/09/2017
Việc đầu tư các nhà máy xử lý, tái chế rác thải thành nguồn năng lượng là yêu cầu cấp thiết. Ảnh: Phương Dung |
Với dân số hơn 93 triệu người, hằng năm lượng rác thải tại Việt Nam là rất lớn. Trung bình mỗi ngày gần 35.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn thải ra. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000 đến 8.000 tấn rác thải. Tuy nhiên, lượng rác chưa được sử dụng triệt để biến thành nguồn năng lượng phục vụ cuộc sống.
Tại hội thảo tham vấn “Sổ tay hướng dẫn phát triển dự án phát điện nối lưới từ chất thải rắn tại Việt Nam” do Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) vừa tổ chức cuối tháng 8-2017 tại Hà Nội, đại diện Bộ Công Thương cho biết, các số liệu cho thấy, khoảng 85% lượng chất thải hiện nay tại Việt Nam được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, đòi hỏi nhiều quỹ đất, trong đó 80% bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Với 35.000 tấn rác được chôn lấp mỗi ngày, đây là nguồn tài nguyên bị lãng phí mà Việt Nam chưa tận dụng hết cho sản xuất năng lượng...
Là đơn vị sản xuất, ông Trương Việt Anh, đại diện Công ty Fecom đã nêu lên những khó khăn, trở ngại và nhấn mạnh, việc ổn định nguồn rác cho các nhà đầu tư là vấn đề cốt yếu. "Thực tế ở Việt Nam nguồn rác đang bị lãng phí, như nguồn rác Nam Sơn, mỗi ngày có từ 5.000 đến 6.000 tấn được chở đi chôn lấp. Trong khi đó nhiều nhà đầu tư không thể tìm được nguồn rác ổn định để phát triển. Đó là nghịch lý diễn ra nhiều năm nay mà chưa tìm được cách giải quyết. Tuy phương pháp đốt là nhanh nhất nhưng chưa phải là giải pháp tối ưu. Bộ Công Thương luôn quan tâm đến vấn đề biến rác thành tài nguyên, phục vụ con người và giảm ô nhiễm.
Thực tế, Việt Nam đã đặt ra những mục tiêu trong việc tăng cường sản xuất điện năng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển kinh tế theo hướng “xanh” và bền vững cũng như bảo đảm “mức đóng góp quốc gia tự quyết định” để ứng phó với biến đổi khí hậu. Để khuyến khích việc xử lý hiệu quả chất thải rắn cho sản xuất năng lượng, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích như giá mua điện (FIT) ở mức 10,05 US cents/kWh cho các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn sử dụng công nghệ đốt trực tiếp theo Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 32/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu. Theo chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo được phê duyệt, tỷ lệ xử lý chất thải rắn đô thị cho mục tiêu năng lượng dự kiến sẽ tăng từ mức không đáng kể hiện nay lên 30% vào năm 2020, và xấp xỉ 70% vào năm 2030 và phần lớn chất thải rắn sinh hoạt đô thị sẽ được sử dụng cho mục đích sản xuất năng lượng vào năm 2050.
Đề xuất công nghệ chuyển đổi chất thải rắn thành năng lượng, ông Joerg Wagner, đại diện Công ty TNHH Intecus (Đức) cho rằng, Việt Nam có thể sử dụng việc chuyển đổi bằng công nghệ xử lý nhiệt hoặc xử lý sinh học như nhiều nước trên thế giới. "Sự tạo ra chất thải ở Việt Nam sẽ tăng lên không tương xứng với sự tăng dân số trong những năm tới.
Vì hàm lượng hữu cơ cao trong chất thải rắn đô thị nên sự phân hủy khô là một công nghệ chuyển đổi chất thải rắn thành năng lượng đáng quan tâm đối với Việt Nam. Việt Nam có thể trở thành một thị trường công nghệ nhiệt chuyển đổi chất thải rắn thành năng lượng vì sự khan hiếm đất đai. Sự giảm khối lượng chất thải thông qua xử lý cơ học - sinh học nên được đề xuất" - ông Joerg Wagner nói - "Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là nâng cao nhận thức của nhân dân về những nguy cơ của việc vứt bỏ chất thải một cách bừa bãi và cần đóng góp tài chính cho hệ thống quản lý chất thải vì một môi trường an toàn".