Đánh thức nguồn sức mạnh ký ức
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:05, 10/09/2017
Không phải ngẫu nhiên mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã ký ban hành văn bản giao cho các bộ, địa phương, các bảo tàng nghiên cứu, lập phương án nhằm lưu giữ an toàn và phát huy tốt nhất giá trị của khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn; tổ chức triển lãm, nhằm quảng bá các di sản tư liệu thế giới của Việt Nam, đặc biệt là tuyên truyền, giới thiệu những nội dung liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đây là việc cụ thể hóa những nội dung đã được khẳng định trong nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, trong đó có Nghị quyết 33-NQ/TƯ ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Chương trình Di sản tư liệu thế giới (còn gọi là chương trình Ký ức thế giới) của UNESCO được khởi xướng từ năm 1992 với mục đích ghi nhận các di sản văn hóa thuộc dạng tư liệu trên thế giới, có thể là cuốn sách, bộ phim, bức ảnh, bút tích, giọng nói (bản ghi âm)… Ngoài Mộc bản triều Nguyễn, Việt Nam còn có những di sản tư liệu thế giới và khu vực khác được UNESCO vinh danh như Bia Tiến sĩ triều Lê - Mạc, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế…
Từ đây thấy rõ, nguồn di sản tư liệu của nước ta, về nước ta có thể tồn tại rất phong phú dưới nhiều hình thức, còn tiềm ẩn và được lưu trữ trong những điều kiện rất khác nhau. Quá trình thực hiện dự án Tủ sách nghìn năm Thăng Long - Hà Nội cũng cho thấy, còn rất nhiều tư liệu quý giá về Hà Nội từ nguồn lưu trữ trong nước và đặc biệt từ các kho lưu trữ nước ngoài chưa được khai thác hết.
Phát huy giá trị di sản tư liệu gồm hai nội dung liên quan chặt chẽ, một là gìn giữ tư liệu, hai là làm cho di sản được “sống” thực sự, thấm sâu các giá trị trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia và thế giới. Làm sao cho di sản không chỉ để kính ngưỡng từ xa, mà còn góp sức trực tiếp vào bồi đắp lòng tự hào dân tộc, sức mạnh bảo vệ chủ quyền quốc gia, chắt lọc kinh nghiệm xây dựng, bảo vệ đất nước là đòi hỏi rất thực tế.
Trước hết, di sản tư liệu cần được lưu trữ dưới nhiều hình thức, trong đó chú trọng cả việc ứng dụng lưu trữ bằng công nghệ số. Kinh nghiệm lưu trữ kho phim của Nhật Bản, trong đó có nhiều thước phim quý giá là một ví dụ. Tiếp đó, di sản tư liệu - tiếng nói từ ký ức của dân tộc phải được giải nghĩa, nhận dạng giá trị có hệ thống, khoa học để công chúng hiểu, từ đó lan tỏa các giá trị, chung tay gìn giữ tài sản quý giá này.
Sau nữa là đưa di sản bắt rễ vào đời sống bằng nhiều hoạt động từ giáo dục, du lịch, văn hóa, kinh tế, đối ngoại đến trao đổi học thuật… Cơ sở cho các hoạt động này là Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan, thực hiện xã hội hóa một phần các hoạt động khai thác, quảng bá, phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn nói riêng, các tài liệu lưu trữ có giá trị nói chung.
Để di sản ngủ yên trong sự kính ngưỡng cũng là lãng phí! Đánh thức giá trị di sản cũng là cách kết nối với nguồn sức mạnh của ông cha gửi lại, nhân rộng lên trong khối sức mạnh chung của cả dân tộc, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.