Tài hoa thợ tạc tượng Vũ Lăng

Xã hội - Ngày đăng : 07:23, 10/09/2017

(HNM) - Làng Vũ Lăng (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai) nổi tiếng với nghề sơn, tạc tượng truyền thống. Đôi tay tài hoa và sự cần mẫn của người Vũ Lăng đã tạo nên hàng nghìn bức tượng có giá trị nghệ thuật cao...

Nghệ nhân Nguyễn Tuấn Tâm với công đoạn hoàn thiện bức tượng. Ảnh: Thái Hiền


Bí thư Chi bộ thôn Vũ Lăng Nguyễn Công Tưởng cho biết, thôn có nghề tạc tượng từ nhiều đời nay. Theo cuốn ngọc phả của làng, những pho tượng 300-400 tuổi ở chùa Vũ Lăng do chính những người thợ quê hương làm ra. Cha truyền, con nối, nghề tạc tượng ở đây đang ngày càng phát triển.

Ở làng Vũ Lăng, nghệ nhân Nguyễn Tuấn Tâm là người được đánh giá cao về tay nghề. Năm 2010, ông Tâm đã vinh dự được UBND TP Hà Nội phong tặng danh hiệu nghệ nhân làng nghề. Gặp ông trong lúc đang say sưa với nghề truyền thống, đôi tay cầm đục rất chắc chắn mà vẫn toát lên sự mềm mại của người thợ lành nghề. Dường như khi bắt tay vào việc, tâm trí của ông dồn tất cả vào chi tiết của bức tượng. Tay đục đưa tới đâu, những đường nét tinh xảo hiện ra đến đó, từ khóe mắt, nét môi, vầng trán... hiện ra rõ nét, sinh động như khuôn mặt con người.

Theo kinh nghiệm của ông Tâm, với nghề này, để có bức tượng đẹp thì khâu nào cũng phải cẩn thận. Từ việc chọn nguyên liệu là gỗ mít lâu năm và trồng trên đất cằn thì thớ gỗ mới chắc, tượng mới bền, cho đến những công đoạn tiếp theo, tất cả đều đòi hỏi sự tập trung cao độ, tỉ mỉ, chuyên cần...

Đồng nghiệp với ông Tâm, ông Phạm Văn Hà cũng là người có tay nghề cao. Tới thăm cơ sở tạc tượng Việt Hà của ông thấy la liệt các bức tượng đang hoàn thiện. Ông Hà chia sẻ: Để thành công trong nghề, ngoài đôi tay “trời phú” người thợ còn cần có tư duy, trí tưởng tượng tốt; đồng thời, thường xuyên tìm tòi, học hỏi trong sách vở cộng với quan sát, tham khảo từ những pho tượng cổ trong các đình, chùa… sao cho khi thể hiện tác phẩm được chính xác nhất từ hình dáng đến trang phục, họa tiết, nét mặt, ánh mắt... Có lẽ nhờ cộng hưởng các yếu tố đó mà những bức tượng của xưởng Việt Hà luôn thu hút đông đảo khách hàng tìm đến đặt mua.

Ở Vũ Lăng, để hoàn thành được một bức tượng đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của cả tập thể. Từ khâu chọn gỗ, “phạt mộc” cho đến lúc sơn son, thếp bạc, thếp vàng... Chị Nguyễn Thị Hạnh, một thợ sơn đang làm ở xưởng sơn tạc tượng của ông Nguyễn Huy Bình cho hay, sau khi được sơn son, thếp vàng, thếp bạc, các nét đẹp của bức tượng sẽ nổi bật và có độ bền cao. Mỗi tháng, nhờ nghề này, thu nhập của chị Hạnh được khoảng 5-6 triệu đồng. Với mức sinh hoạt và mặt bằng giá cả ở nông thôn, số tiền đó cũng đủ trang trải cuộc sống.

Theo ông Nguyễn Công Tưởng, hiện thôn có khoảng 450 hộ làm nghề tạc tượng. Sản phẩm của làng có mặt ở các đình, chùa khắp miền Bắc. Ngoài ra, những công trình nổi tiếng như: Chùa Một Cột, chùa Bái Đính... cũng có sự góp mặt các nghệ nhân trong làng. Những năm gần đây, sản phẩm sơn tạc tượng Vũ Lăng còn được xuất khẩu đi nhiều nước. Nhờ nghề, đời sống người dân ổn định và không có người thất nghiệp, qua đó, góp phần quan trọng trong hoàn thành xây dựng nông thôn mới của xã Dân Hòa.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển, làng nghề cũng đang tồn tại bất cập do cơ sở sản xuất hầu hết trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường bởi bụi, tiếng ổn, mùi sơn... “Chúng tôi mong muốn được chính quyền địa phương quan tâm quy hoạch điểm sản xuất tập trung xa khu dân cư để bà con có điều kiện phát triển nghề truyền thống” - Nghệ nhân Nguyễn Tuấn Tâm chia sẻ tâm tư.

Ông Nguyễn Công Tưởng băn khoăn, làng nghề tạc tượng Vũ Lăng tuy được nhiều nơi biết đến, nhưng hiện vẫn chưa có thương hiệu, nhãn hiệu tập thể. Đây là một trong những yếu tố cần được hỗ trợ để sản phẩm làng nghề không ngừng phát triển.

Nguyễn Mai