Võ sĩ muay Bùi Yến Ly: Cuộc đời là những lần chinh phục danh hiệu
Thể thao - Ngày đăng : 07:39, 10/09/2017
Võ sĩ Bùi Yến Ly (trái) tại Đại hội Thể thao thế giới năm 2017. |
Thời gian nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 của cô gái vàng làng muay Việt Nam không kéo dài như nhiều người khác. Chỉ nghỉ ngày cuối tuần, đến đầu tuần là Bùi Yến Ly đã lao vào tập luyện bình thường, bởi đây đang là giai đoạn nước rút chuẩn bị cho Đại hội Thể thao trong nhà và võ thuật Châu Á 2017. Bùi Yến Ly chẳng phàn nàn về chuyện đó.
Cô gái 22 tuổi này nói: “Đã theo nghiệp thể thao thì phải chấp nhận sự thiệt thòi mang tính đặc thù, từ chuyện được nghỉ ít hơn những người làm nghề khác đến sự khắc nghiệt trong tập luyện, sự rủi ro khi thi đấu... Chỉ có xác định rõ điều đó thì mới mong có được vị trí số 1”.
Kể câu chuyện này lại nhớ lần chuẩn bị cho Đại hội Thể thao thế giới năm 2017 của Bùi Yến Ly. Lúc ấy, "cô gái đánh võ" vừa chịu thất bại trước võ sĩ người Thái Lan Koson Apasara (sinh năm 1999) tại Giải Muay vô địch thế giới diễn ra tại Belarus. Thất bại có ý nghĩa hun đúc ý chí của Bùi Yến Ly, giúp cô nhận ra rằng, việc thiếu sức mạnh và tốc độ trong các đòn đánh khiến cô thua trận. Vì thế, trong 2 tháng cuối trước khi Đại hội Thể thao thế giới 2017 diễn ra, Bùi Yến Ly được đưa về tập luyện tại khu huấn luyện muay ở Phúc Thọ (Hà Nội).
Tại đây, hầu như cô gái này phải ở trong cảnh cấm trại, chỉ có tập và tập. Đặc biệt, các bài tập đòn chân được chú trọng, trong đó có "đặc sản" đá lốp xe ô tô. Nhiều nơi, các võ sĩ muay cũng tập bài này để tăng cường sức mạnh, nhưng lốp được dùng để tập luyện là lốp của xe nhỏ. Còn lốp để các võ sĩ Hà Nội tập luyện là lốp xe tải, cứng hơn rất nhiều. Trung bình mỗi buổi tập, cô phải đá vào lốp xe tải khoảng 500 lần, trong đó có quy định về số lần đá tối thiểu sau mỗi phút. Đá cho đến khi chân không nhấc lên được nữa, nhưng khát khao chiến thắng đã giúp cô vượt qua sự khắc nghiệt trong tập luyện.
Cũng nhờ những bài tập “dị” và khắc nghiệt ấy mà Bùi Yến Ly đã lên ngôi ngoạn mục ở Đại hội Thể thao thế giới 2017 tại Ba Lan, nơi cô giành chiến thắng áp đảo trước chính Koson Apasara. Ở sân chơi Đại hội Thể thao thế giới chỉ có 8 võ sĩ hàng đầu (căn cứ theo thành tích tại các giải thuộc hệ thống thi đấu của muay thế giới) mới được tham dự. Thế nên, chiến thắng của Bùi Yến Ly càng gây tiếng vang, nhất là khi bại tướng của cô lại đến từ Thái Lan - quê hương của môn võ muay.
Phụ trách Câu lạc bộ Muay - Kick boxing Hà Nội Dương Ngọc Hải, người ra quyết định tuyển chọn Bùi Yến Ly tại một giải võ cổ truyền ở Bắc Giang vào năm 2011 nói: "Trong đời làm huấn luyện viên tôi chưa từng gặp võ sĩ nào có ý chí mạnh mẽ, khát khao chiến thắng như Ly. Chính vì thế, Bùi Yến Ly vượt qua được mọi bài tập có cường độ và khối lượng lớn so với mặt bằng chung, cũng như luôn đứng dậy mạnh mẽ hơn sau mỗi thất bại”.
Tại SEA Games 29, nội dung thi đấu dành cho nữ của môn muay không có trong chương trình thi đấu nên Bùi Yến Ly lỡ cơ hội thể hiện mình (cô từng giành Huy chương vàng tại SEA Games năm 2013). Thực tế, trong làng muay Việt Nam, mới chỉ có Bùi Yến Ly có thể thi đấu sòng phẳng với các võ sĩ Thái Lan.
Nhưng dù sao, vẫn còn Đại hội Thể thao trong nhà và võ thuật Châu Á ở phía trước, nơi mà cô gái được coi là “của hiếm” trong làng muay Việt Nam cũng như Hà Nội chưa từng lên ngôi vô địch. Đó cũng là mục tiêu đầy hấp dẫn với cô gái trẻ này.