Kịp thời trợ giúp người yếu thế

Đời sống - Ngày đăng : 07:27, 10/09/2017

(HNM) - Tập trung người lang thang xin tiền, người tâm thần cơ nhỡ, người cao tuổi và trẻ em bị lạc gia đình… để chăm sóc, hỗ trợ không chỉ thể hiện quan điểm nhân văn của TP Hà Nội đối với những đối tượng yếu thế trong xã hội, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh thành phố thân thiện, văn minh.

Khu nhà dành đón người vô gia cư vào ở trong dịp Tết Nguyên đán 2017 tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: Bùi Tuấn


Mở rộng đối tượng giúp đỡ


So với những năm trước, số lượng người lang thang trên địa bàn TP Hà Nội hiện đã giảm nhiều. Những địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người như công viên, vườn hoa, di tích, khu vực tổ chức lễ hội... cũng ít xuất hiện người lang thang, nhất là những người lang thang xin tiền, gây phản cảm.

Theo đánh giá của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, số người lang thang giảm dần là nhờ những chính sách phù hợp và sự quan tâm của chính quyền TP Hà Nội đối với các đối tượng yếu thế thông qua những phần việc đang được triển khai sâu rộng. Từ ngày 16-7-2009, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 90/2009/QĐ-UBND về tập trung người lang thang xin ăn, xin tiền cũng như những người tâm thần cơ nhỡ trên địa bàn để tiện cho việc chăm sóc, hỗ trợ đối với họ. Trên tinh thần đó, đội trật tự xã hội lưu động thuộc các trung tâm bảo trợ xã hội đã được thành lập, hoạt động 24/24 giờ tất cả các ngày trong năm nhằm phát hiện kịp thời những đối tượng cần giúp đỡ.

Ngoài ra, TP Hà Nội còn có chính sách hỗ trợ đột xuất đối với người vô gia cư vào những dịp đặc biệt. Các chính sách thể hiện sự quan tâm của TP Hà Nội giúp cho hàng vạn lượt người vượt qua hoàn cảnh khốn khó; gần 6 nghìn lượt người lang thang, chủ yếu là người có hộ khẩu ở các tỉnh, thành phố khác đã được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội thuộc TP Hà Nội hoặc được tạo điều kiện trở về với người thân.

Nhằm mở rộng đối tượng cần được quan tâm, chăm sóc, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 6053/QĐ-UBND, ngày 29-8-2017, thay thế cho các quyết định trước đó về thực hiện công tác tập trung giúp đỡ người lang thang. Theo quyết định mới, người dẫn theo trẻ em, người khuyết tật bán hàng rong đeo bám, chèo kéo người đi đường, người cao tuổi, trẻ em bị lạc gia đình, người lang thang sinh sống ở nơi công cộng trong dịp Tết Nguyên đán hoặc trong điều kiện thời tiết rét đậm dưới 10 độ C cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ. Sau khi tiếp nhận, những người lang thang sẽ được đưa đến các cơ sở bảo trợ xã hội của thành phố để chăm sóc, nuôi dưỡng, chờ đưa về nơi cư trú hoặc nuôi dưỡng lâu dài đối với những người chưa xác định được địa chỉ cư trú. Người mắc bệnh tâm thần lang thang được đưa đến các bệnh viện để được chăm sóc. Người lang thang ốm yếu, suy kiệt sẽ được đưa đến các cơ sở y tế để được điều trị ổn định.

“Việc mở rộng đối tượng người lang thang thể hiện tinh thần nhân văn, nhân ái của chính quyền và nhân dân Thủ đô, góp phần bảo vệ trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế khác”, ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội khẳng định.

Cần giải pháp bền vững

Anh Nguyễn Văn Hải, thành viên Đội trật tự xã hội lưu động thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho biết, những năm trước, việc tập trung người lang thang khá dễ dàng bởi đa số là những người yếu thế cần được quan tâm chăm sóc, hỗ trợ. Hiện nay, không ít người cố tình lợi dụng người thuộc nhóm người yếu thế để trục lợi.

Thậm chí, một số người lang thang xin tiền hoặc núp bóng bán hàng rong có lực lượng “bảo kê”, sẵn sàng chống đối, kiện cáo khi đội trật tự xã hội lưu động thi hành nhiệm vụ. Một số đối tượng nghiện ma túy, nhiễm HIV hoặc có “thâm niên” lang thang thường có hành vi đe dọa, chống trả những người thi hành nhiệm vụ. Từ thực tế đó, anh Nguyễn Văn Hải mong muốn chính quyền các địa phương, các ngành chức năng đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng đội trật tự xã hội lưu động trong quá trình phát hiện, tập trung người lang thang.

Đại diện quản lý các trung tâm bảo trợ xã hội cũng xác nhận, một số đối tượng lang thang vào các trung tâm bảo trợ xã hội đến hai lần nhưng khi trở lại cộng đồng vẫn chọn con đường “hành nghề... lang thang” với những chiêu thức vô cùng tinh vi. Một số người đã từ chối tiếp nhận sự quan tâm, thậm chí có người còn nhận được sự “bảo lãnh” để có thể trở lại cộng đồng, dù vẫn đang ở trong hoàn cảnh không có nơi nương tựa.

“Thực tế cho thấy, trên địa bàn thành phố xuất hiện một số đối tượng lợi dụng trẻ em và người khuyết tật để tổ chức bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo khách đi đường. Hành vi này là vi phạm pháp luật, cần được chấn chỉnh”, ông Nguyễn Văn Lưu, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 nhận định.

Theo ông Lê Công Vinh, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2, để giải quyết vấn đề nói trên thì ngoài giải pháp của chính quyền địa phương như tập trung người lang thang để tiện chăm sóc, gia đình, dòng họ của những đối tượng yếu thế cần quan tâm nhiều hơn đến người thân, tạo điều kiện cho họ có cuộc sống tốt nhất. Chính quyền các địa phương cần tăng cường quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, có giải pháp trợ giúp những đối tượng yếu thế ngay tại gia đình, cộng đồng. Với những người lang thang có khả năng lao động, các ngành, địa phương cần tìm cách giúp họ học nghề, tìm kiếm việc làm bền vững; đồng thời xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng người khuyết tật, trẻ em để trục lợi.

Minh Ngọc