Hà Nội: Lượng hành khách đi xe buýt có dấu hiệu sụt giảm

Giao thông - Ngày đăng : 16:48, 10/09/2017

(HNMO) - Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GT-VT Hà Nội) cho biết, sau một thời gian tăng trưởng liên tục, từ năm 2015 đến nay, sản lượng hành khách đi lại bằng xe buýt có dấu hiệu sụt giảm...


Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GT-VT Hà Nội) cho biết, tính đến thời điểm này, Hà Nội có 109 tuyến buýt (bao gồm 74 tuyến buýt trợ giá, 15 tuyến buýt thí điểm, 11 tuyến buýt không trợ giá và 9 tuyến buýt kế cận), bao phủ 100% các khu vực của Hà Nội và kết nối với các địa phương lân cận như Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương và Hưng Yên.

Hiện tổng số lượt xe hoạt động của 89 tuyến buýt (74 tuyến trợ giá và 15 tuyến thí điểm) là 14.289 lượt xe/ngày, vận chuyển bình quân 1,1 triệu lượt hành khách/ngày. Sau một thời gian tăng trưởng liên tục, từ năm 2015 đến nay, sản lượng hành khách đi lại bằng xe buýt có dấu hiệu sụt giảm.

Cụ thể, năm 2014, tổng lượng hành khách vận chuyển đạt 506 triệu lượt thì bước sang năm 2015 giảm xuống còn 469 triệu lượt, năm 2016 giảm còn 436 triệu lượt và năm 2017 dự kiến đạt 450 triệu lượt. Nguyên nhân là do ùn tắc giao thông đã dẫn tới phá vỡ biểu đồ hoạt động của xe buýt, tính đúng giờ không được bảo đảm; lộ trình một số tuyến quá dài và thời gian di chuyển kéo dài; mạng lưới kết nối chưa tốt với các khu vực ngoại thành và khu đô thị mới; việc tiếp cận các điểm dừng chưa tốt...

Đại diện Tổng công ty Transerco cho biết, cùng với buýt thường, tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên của Hà Nội đã được đưa vào khai thác chính thức từ ngày 1-1-2017. Qua hơn 8 tháng vận hành, dịch vụ của tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa được hành khách đánh giá có độ tin cậy cao. Lượt xe thực hiện luôn đạt 99,99% so với kế hoạch; lượt xe xuất bến đúng giờ đạt tỷ lệ 99%. Hành khách vận chuyển trên tuyến ổn định với bình quân 13.302 hành khách/ngày. Vào các khung giờ cao điểm đã bước đầu có dấu hiệu quá tải với bình quân 70 hành khách/xe, nhiều lượt xe vận chuyển 105-115 hành khách. Sản lượng hành khách của BRT thuộc nhóm cao so với các tuyến buýt thường, nhưng vào các cung giờ khác còn thấp.

Trực tiếp trải nghiệm cả xe buýt nhanh BRT và buýt thường, một số đại biểu HĐND TP Hà Nội đề nghị nghiên cứu xem có thể cho xe buýt thường đi chung làn buýt BRT được hay không để tận dụng hiệu quả sử dụng của làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh. Việc này cũng sẽ cải thiện các điều kiện cho xe buýt nhằm kết nối hành khách được hiệu quả hơn, qua đó sẽ có thêm nhiều hành khách lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại chính.

Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhận xét, giao thông và môi trường là các vấn đề nổi cộm của thành phố trong những năm qua. Nếu giải quyết được giao thông thì sẽ có giải pháp về môi trường. Đầu tư BRT là chủ trương đúng của lãnh đạo thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan. Đây chính là “cú hích” nhằm thay đổi nhận thức của mỗi người dân để họ thấy rằng không thể giải quyết bài toán giao thông Hà Nội nếu cứ mỗi người một xe máy, ô tô mà phải chuyển sang sử dụng vận tải công cộng. Thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu làm sao kết nối hiệu quả hơn nữa giữa buýt nhanh BRT và buýt thường, huy động các chuyên gia giao thông trong và ngoài nước để giải quyết vấn đề ách tắc giao thông...

Tuấn Lương