Không để "vắt chanh, bỏ vỏ"!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:54, 11/09/2017
Sử dụng lao động trẻ, thâm niên thấp sẽ không phải trả lương cao, lại có thể tận dụng được sức lao động trong giai đoạn "vàng"... Đó là lý do khiến các doanh nghiệp chỉ tuyển dụng lao động trẻ. Và lý do mà họ đưa ra khi chấm dứt hợp đồng đối với lao động ngoài 30 tuổi cũng rất đơn giản: Mức độ đáp ứng công việc hạn chế, cần tuyển người có năng suất lao động cao hơn.
Vì thế, nhiều doanh nghiệp đặt ra những quy định khắt khe về giờ làm việc, nghỉ ngơi, thời gian vệ sinh cá nhân, đi lại tại nơi làm việc, bảo đảm chất lượng sản phẩm… Bằng nhiều cách khác nhau, doanh nghiệp đã ép người lao động lớn tuổi nghỉ việc, thậm chí phải tự viết đơn xin nghỉ việc.
Tình trạng sa thải lao động ngoài 30 tuổi diễn ra phổ biến tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Quá trình tuyển dụng - sa thải diễn ra liên tục và nhanh chóng cũng là một cách thức để doanh nghiệp giảm thiểu các chi phí về tăng lương, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp. Điều này tạo ra nghịch lý trong tuyển dụng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực theo quy định của pháp luật lao động và gây ra mất cân đối cung - cầu thị trường lao động.
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có hơn 6 triệu lao động từ 18 đến trên 30 tuổi làm việc trong các khu công nghiệp. Nếu như năm 2016 đã có 1,2 triệu lao động thất nghiệp, thì dự báo 10 năm tới, có khoảng từ 2 đến 3 triệu lao động bị đào thải, phải tìm kiếm việc làm khác.
Như vậy, nỗi lo thất nghiệp với nhiều lao động ngoài 30 tuổi là có thật!
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, giúp tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Thế nhưng, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số người mất việc làm khi tuổi trẻ đã qua nhưng tuổi già chưa tới. Nếu không sớm khắc phục và giải quyết triệt để vấn đề này, sự đổ vỡ hoặc phát triển thiếu cân đối của thị trường lao động - việc làm, sẽ đe dọa sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Để giải quyết bài toán này đòi hỏi sự chung tay của Nhà nước, các bộ, ngành liên quan cũng như sự hỗ trợ của doanh nghiệp và nỗ lực của chính người lao động. Về góc độ quản lý nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần thể hiện trách nhiệm hơn nữa đối với đối tượng này bằng việc tham mưu đề ra những chính sách cụ thể, giúp họ được thụ hưởng chính sách, bảo đảm quyền lợi sau khi mất việc; đẩy mạnh chính sách hỗ trợ về bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ học nghề và chuyển nghề cho những lao động mất việc làm…
Về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động chặt chẽ hơn, để hạn chế chuyện doanh nghiệp “vắt chanh, bỏ vỏ”. Đặc biệt, cần nghiên cứu, đưa vấn đề cam kết về thời gian sử dụng lao động từ 20 đến 25 năm vào Bộ luật Lao động nhằm ràng buộc các doanh nghiệp sử dụng lao động lâu dài.
Về phía người lao động, một mặt cần tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, tay nghề; mặt khác cần chủ động chuẩn bị cho mình một số nghề khác nhau, để khi thất nghiệp có thể chuyển đổi sang công việc khác mà không bị “sốc”.