Bài đầu: Hệ lụy từ tình trạng mất việc làm

Đời sống - Ngày đăng : 06:53, 11/09/2017

(HNM) - LTS: Sau tuổi 30, người lao động vẫn ở thời kỳ làm việc sung sức, đảm nhiệm vai trò trụ cột kinh tế trong gia đình, có những đóng góp đáng kể với xã hội. Song, nhiều lao động làm việc tại các khu công nghiệp hiện đứng trước nguy cơ mất việc làm sau tuổi 30.

Lao động nữ sau tuổi 30 tại nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị mất việc. Ảnh: Bá Hoạt


Dự báo trong 10 năm tới, cả nước có khoảng 2 - 3 triệu lao động giản đơn ở các khu công nghiệp bị đào thải sau tuổi 30. Con số này phần nào cho thấy, nhân công giá rẻ không còn là thế mạnh của thị trường lao động Việt Nam và gây ra những hệ lụy cho xã hội.

Người lao động gặp khó

Như nhiều thanh niên ngoại thành, khi đến tuổi lao động, anh Nguyễn Văn Nam (năm nay 34 tuổi), ở xã Hiền Lương (Sóc Sơn) xin làm công nhân tại một khu công nghiệp. Sau nhiều năm làm việc, bất ngờ anh Nam bị sa thải vì nhiều lý do. Ruộng vườn không nhiều, nghề phụ không có, anh Nam mang hồ sơ đi nhiều nơi xin việc, nhưng đến doanh nghiệp nào anh cũng bị từ chối vì tuổi đã nhiều, nghề không phù hợp...

Liên tục bị điều chuyển vị trí công việc, thu nhập giảm dần, anh Đặng Đức Khang (36 tuổi), thôn Đức Hậu, xã Đức Hòa (Sóc Sơn) đã phải chủ động nghỉ việc. Con nhỏ, nhà cửa chưa có, cuộc sống của gia đình đã khó khăn nay càng thêm khó khăn. Đó chỉ là hai trong số hàng trăm nghìn trường hợp người lao động loay hoay, bế tắc với cuộc sống, tương lai của chính mình và gia đình khi mất việc làm sau tuổi 30.

Trong vai người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tìm việc làm, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận nhiều trường hợp là công nhân ngoài 30 tuổi tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đến đây đăng ký thất nghiệp. Khu vực tư vấn, hướng dẫn người lao động làm hồ sơ đăng ký thất nghiệp luôn tấp nập, nhộn nhịp.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trung bình mỗi tháng Trung tâm tiếp nhận từ 2.000 đến 3.000 lao động trên 35 tuổi đăng ký thất nghiệp, chiếm gần 90% tổng số lao động đến đăng ký. Những con số trên phần nào phản ánh tình trạng người lao động mất việc làm sau tuổi 30 trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung là một thực tế rất đáng quan tâm.

Đáng nói hơn, số lao động trên 35 tuổi tìm được việc mới qua sàn giao dịch việc làm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay trên bảng thông tin tuyển dụng niêm yết công khai, đa số các doanh nghiệp chỉ tuyển dụng lao động từ 18 đến 30 tuổi. Do vậy, người lao động bị mất việc làm sau tuổi 30 rất ít cơ hội tìm được việc làm mới.

Xu hướng lan rộng

Người lao động đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội.


Thống kê mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, cả nước có hơn 6 triệu lao động từ 18 đến 30 tuổi đang làm việc trong các khu công nghiệp. Dự báo, trong 10 năm tới sẽ có khoảng 2 - 3 triệu lao động bị đào thải. Khi đó, số lượng lao động ở các khu vực phi chính thức, không có quan hệ lao động ngày càng tăng lên; còn khu vực chính thức, có quan hệ lao động lại giảm xuống. Xu thế này đi ngược lại với sự phát triển của thế giới, nhất là các nước có nền kinh tế tiên tiến.

Theo kết quả điều tra của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tại 64 doanh nghiệp ở các khu công nghiệp trong cả nước, độ tuổi bình quân của công nhân trong các doanh nghiệp hiện nay là 31,2 tuổi, thời gian làm việc trung bình từ 6 đến 7 năm. Lao động bị sa thải chủ yếu làm việc giản đơn thuộc các ngành: May mặc, da giày, chế biến thủy, hải sản, lắp ráp linh kiện điện tử… Sau khi mất việc làm, hơn 43% người lao động làm việc tự do, 17,2% buôn bán, số còn lại làm công việc nội trợ, nông nghiệp…

Trên bình diện xã hội, tình trạng sa thải lao động sau tuổi 30 không chỉ làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, gây khó khăn cho công tác quản lý, duy trì trật tự xã hội, lãng phí nguồn nhân lực, mà còn tác động mạnh mẽ đến chính sách bảo hiểm xã hội. Vấn đề này đã được ngành Bảo hiểm Xã hội xác nhận khi số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội một lần tăng nhanh trong những năm gần đây.

Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, đa số lao động rời khỏi khu công nghiệp tham gia vào lực lượng lao động tự do, không có điều kiện tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong khi đó, Quỹ Bảo hiểm xã hội đang đứng trước nguy cơ mất cân bằng, buộc chúng ta phải có giải pháp tháo gỡ. Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm, tăng tuổi nghỉ hưu là những giải pháp đang được các cơ quan chức năng bàn thảo, xem xét.

Theo ông Vũ Quang Thọ, Viện Công nhân và Công đoàn, nhân công giá rẻ đã không còn là thế mạnh của thị trường lao động Việt Nam. Khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, một thiết bị máy móc có thể thay thế hàng trăm công nhân, xu hướng sa thải lao động giản đơn sẽ còn tiếp diễn với quy mô rộng hơn, tốc độ nhanh hơn.

“Ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng không đưa ra các biện pháp ứng phó, thị trường lao động Việt Nam sẽ bị tan vỡ từng mảng, dần dần sẽ bị phá vỡ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội” - ông Vũ Quang Thọ cảnh báo. Đây cũng là ý kiến của nhiều chuyên gia nghiên cứu về thị trường lao động.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có sự phân tích, đánh giá sâu sắc, toàn diện để có thể đưa ra giải pháp tối ưu.

(Còn nữa)

Minh Ngọc