Say mê làm đẹp cho cầu

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:13, 11/09/2017

(HNM) - Trong suốt 25 năm say mê tìm tòi các loại sơn đặc chủng chuyên dùng chống ăn mòn, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy đã có nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học được ứng dụng hiệu quả tại nhiều công trình giao thông có kết cấu thép.


Chinh phục công nghệ sơn

Khác với hình dung của nhiều người về nhà khoa học nữ đầu ngành một lĩnh vực ứng dụng chuyên sâu, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy có phong thái khoan thai, gương mặt cuốn hút, trẻ hơn nhiều so với tuổi 59 của mình.

Vốn là người Hà Nội gốc, ngay từ khi học tại Trường THPT Chu Văn An, nữ sinh Nguyễn Thị Bích Thủy đã học rất giỏi, và sau đó tiếp tục chọn theo học đại học tại Khoa Hóa, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp năm 1980, bà về công tác tại Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải.

Năm 1993, sau khi hoàn thành đề tài nghiên cứu sinh về chế tạo vanillin từ nước thải bã giấy, nhà khoa học Nguyễn Thị Bích Thủy quyết định tập trung nghiên cứu phát triển công nghệ sơn đặc chủng chống ăn mòn cho công trình giao thông. Đây là một quyết định dũng cảm, bởi khi ấy, điều kiện cơ sở vật chất của Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phục vụ nghiên cứu về sơn hầu như không có.

Thời gian đầu, bà phải tới các cơ sở thí nghiệm của Khoa Hóa (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) và Phòng Thí nghiệm hóa (Viện Khoa học Việt Nam) để nghiên cứu nhờ. Sau đó, bà tự bỏ tiền, xin dựng tạm một xưởng thử nghiệm trong bãi đất trống của Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải.

PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy chia sẻ, nghiên cứu sơn là công việc rất khắc nghiệt, càng vất vả với phụ nữ. Không chỉ thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, người làm nghề còn phải đọc nhiều tài liệu, hiểu biết nhiều lĩnh vực liên quan, vừa nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, vừa theo dõi các phơi mẫu ngoài hiện trường.

Chưa kể, rất nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm bị thất bại, nhưng mỗi lần như thế càng thôi thúc bà làm tốt hơn. Dần dần, tuổi thọ sản phẩm sơn chống ăn mòn do bà nghiên cứu được nâng lên 5 năm, rồi 10 năm, đến nay đạt 15-20 năm, tương đương với những sản phẩm sơn tuổi thọ cao của các nước trên thế giới.

PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy đã chủ trì 32 đề tài tiêu chuẩn, tham gia 42 đề tài (trong đó có 3 đề tài cấp nhà nước, 39 đề tài cấp bộ và sở). Đặc biệt, bà đã công bố 65 công trình khoa học ở trong và ngoài nước; có hơn 10 công trình tiêu biểu được áp dụng thực tiễn. Kết quả nghiên cứu của bà giúp giải quyết triệt để vấn đề ăn mòn kim loại tại nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn Thủ đô và toàn quốc, như các cầu đường sắt Bắc - Nam; cầu Chương Dương, cầu Đuống, cầu Long Biên (Hà Nội); cầu treo Dùng, cầu Giăng (Nghệ An); cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa); cầu Bạch Hổ (Huế); cầu Nguyễn Văn Trỗi (Đà Nẵng)…

Sản phẩm sơn của bà cũng được dùng sơn toa xe của các nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội), Dĩ An (Bình Dương), Hải Phòng. Sắp tới, sản phẩm sơn ứng dụng công nghệ nano, composit, polime của bà sẽ được ứng dụng nhiều hơn, trong đó có ô tô khách.

Trọn vẹn nhiều vai

PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy rất vui vì được góp sức mình làm đẹp cho khá nhiều cầu, đường của Thủ đô. Bà có nhiều kỷ niệm sâu sắc với những cây cầu như khoảng thời gian năm 2010-2012, mặt cầu Thăng Long gặp sự cố, xuất hiện những rãnh sâu, gồ ghề, ảnh hưởng đến giao thông. Vào những đợt sửa chữa, bà thường xuyên có mặt trên cầu từ 21h hôm trước đến 3h hôm sau, cùng nhà thầu tìm giải pháp khắc phục. Vậy mà đến giờ làm việc, bà lại có mặt ở cơ quan để thực hiện nhiệm vụ giám đốc một viện chuyên ngành.

Trước đó, năm 2004, bà được mời nghiên cứu vật liệu tuổi thọ cao dùng để sơn kết cấu dưới mặt cầu Chương Dương. Đến năm 2007, nhờ chất lượng và hiệu quả thẩm mỹ cao, sơn của bà tiếp tục được dùng cho kết cấu trên mặt cầu Chương Dương.

Vừa nghiên cứu khoa học, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy vừa tham gia giảng dạy đại học. Mỗi khi nhắc đến bà, nhiều sinh viên đã thành danh như Giám đốc Kỹ thuật sơn của Công ty TNHH Yamaha Việt Nam Ngô Quang Hóa, cán bộ phụ trách kỹ thuật Công ty TNHH Nippon Paint Phạm Duy Quân, cán bộ kỹ thuật Viện Dầu khí Việt Nam Hoàng Văn Thắng… đều bày tỏ lòng kính trọng.

Hàng chục năm công tác tại Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải, bà đã để lại không chỉ các công trình nghiên cứu, ứng dụng, mà còn là nhiều kinh nghiệm của người đi trước, góp phần đào tạo nên một tập thể cán bộ nghiên cứu về hóa ứng dụng vững vàng.

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông chia sẻ, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy là cán bộ khoa học rất tâm huyết, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giao thông vận tải. Rất nhiều đề tài do PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy chủ trì đã mang lại hiệu quả rất cao, được ứng dụng rộng rãi trong nước như chế tạo phụ gia tăng bám dính đá nhựa sử dụng trong xây dựng đường ô tô; chế tạo sơn không dung môi bảo vệ kết cấu thép khu vực biển và ven biển; chế tạo trụ dẻo Elastome làm dải phân cách mềm trong chỉ dẫn an toàn giao thông.

Đặc biệt, công trình nghiên cứu chế tạo sơn men bảo vệ kết cấu thép trong giao thông vận tải đã đoạt giải nhì giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2013…

PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy luôn tâm niệm: Còn sức khỏe thì còn cống hiến cho Thủ đô và đất nước. Có lẽ, đó là lý do mỗi năm bà hoàn thành 7-8 công trình khoa học. Và chính sự say mê đó đã giúp bà đoạt nhiều cúp (Cúp vàng Techmart của Bộ Khoa học Công nghệ năm 2005, 2009), bằng khen (của Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Khoa học - Công nghệ), giải thưởng (Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu, Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước)…

Linh Chi