Bùng nổ taxi, xe ôm công nghệ: Khó xử lý vi phạm vì thiếu chế tài

Giao thông - Ngày đăng : 07:14, 11/09/2017

(HNM) - Bên cạnh giá cước cạnh tranh, giúp hành khách có thêm lựa chọn, thì sự bùng nổ loại hình taxi, xe ôm công nghệ của các hãng Uber, Grab cũng gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là thiếu chế tài bảo đảm trật tự an toàn giao thông cũng như xử lý vi phạm.

Tài xế xe ôm công nghệ nghe điện thoại khi chở khách. Ảnh: Việt Hùng


Khó kiểm soát...

Theo thống kê của Sở GT-VT Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 19.200 xe taxi được cấp phù hiệu và hơn 7.300 xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi được cấp phép hoạt động thí điểm theo mô hình taxi công nghệ. Trong đó, dẫn đầu là Công ty TNHH Grabtaxi với 4.867 xe; Công ty TNHH Uber Việt Nam khoảng 1.900 xe. Ngoài ra còn một số xe của Công ty cổ phần Vận tải 57 Hà Nội (123 xe), Công ty cổ phần Hợp tác đầu tư và phát triển (120 xe), Công ty cổ phần Phát triển thương mại và du lịch quốc tế Ngôi Sao (300 xe).

Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cho biết, công tác quản lý loại hình taxi công nghệ gặp nhiều khó khăn do phương tiện gia tăng quá nhanh. Mục tiêu của Uber, Grab khi đưa công nghệ mới vào nhằm huy động số lượng xe dưới 9 chỗ nhàn rỗi để chia sẻ các chuyến đi, nhưng trên thực tế lại không như vậy. Qua theo dõi, rất nhiều xe dưới 9 chỗ cấp mới phù hiệu “xe hợp đồng” thời gian qua đều là xe mới 100%.

Như vậy, đây là phương tiện người dân mua để “chạy” cho Uber, Grab, nên tác động rất lớn đến giao thông đô thị, ảnh hưởng đến chủ trương phát triển hành khách công cộng và công tác tổ chức giao thông, đặc biệt là việc quản lý, hạn chế xe taxi và phương tiện cá nhân.

Cùng với taxi công nghệ, thời gian qua, xe ôm công nghệ (GrabBike, UberMOTO) cũng bùng nổ. Có thể dễ dàng nhận thấy, lái xe ôm công nghệ có mặt ở bất cứ đâu, từ trong ngõ ngách, trên các tuyến đường, đến các tòa chung cư, trung tâm thương mại... Thậm chí, đội ngũ làm xe ôm công nghệ còn đông hơn cả xe ôm truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Liên (số nhà 222 đường Thanh Bình, phường Mộ Lao, quận Hà Đông) chia sẻ: “Ban đầu thì thấy thật tiện lợi, giá rẻ và an toàn, nhưng càng ngày càng thấy bất ổn. Không chỉ xảy ra các vụ tranh giành khách, dẫn đến đánh nhau giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ mà còn xuất hiện nguy cơ tai nạn giao thông. Nhiều người chạy xe ôm công nghệ vốn là sinh viên ngoại tỉnh tranh thủ làm thêm. Động lực và trách nhiệm làm việc thì tốt nhưng các sinh viên không thuộc đường, vừa lái xe vừa mải nhìn phần mềm dẫn đường trên điện thoại nên rất nguy hiểm. Nhiều lúc đi taxi Uber, Grab cũng gặp tình trạng tài xế vừa lái xe vừa dò đường thông qua điện thoại thông minh”.

Có bao nhiêu xe ôm công nghệ đang hoạt động tại Hà Nội là câu hỏi không có lời đáp. Đại diện cơ quan chức năng thừa nhận, con số này chỉ có các hãng mới nắm được.

... Và khó xử lý!

Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP Hà Nội), tình trạng tài xế Grab, Uber sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông, gây nguy hiểm cho người đi đường là vấn đề gây nhiều khó khăn trong công tác xử lý vi phạm. Hiện tại, các lực lượng của Phòng khi làm nhiệm vụ và xử lý vụ việc chỉ căn cứ vào Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt để xử phạt.

Cụ thể, lỗi người điều khiển xe ô tô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng/trường hợp; người đang điều khiển xe máy, mô tô sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) sẽ bị phạt tiền 100.000 - 200.000 đồng/trường hợp.

Đại úy Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT đường bộ - đường sắt) cho rằng, khó khăn lớn nhất trong công tác xử lý vi phạm đối với các tài xế Grab, Uber là chưa có chế tài cụ thể. Địa bàn Đội quản lý có Bến xe Mỹ Đình là bến xe lớn của thành phố, thu hút rất đông tài xế xe ôm truyền thống cũng như xe ôm công nghệ hành nghề. Đối với các xe ôm công nghệ, hiện Đội chỉ có thể xử lý vi phạm các lỗi như dừng đỗ xe không đúng nơi quy định, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ…

Đối với taxi công nghệ, ông Hà Huy Quang cho biết, do đang trong giai đoạn thí điểm (đến hết năm 2017) nên rất khó xử lý vì không có chế tài. Hiện, lực lượng chức năng chỉ có thể xử phạt các lỗi như đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ, lấn làn, trả khách không đúng nơi quy định...

Sở GT-VT Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố cho phép chủ trì, phối hợp với Công an thành phố rà soát các tuyến đường có biển báo cấm xe taxi hoạt động để đề xuất bổ sung biển báo phụ cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi, nhằm hạn chế lượng phương tiện tham gia giao thông, giảm ùn tắc giao thông...; kiến nghị thành phố và Bộ GT-VT trước mắt cho phép Hà Nội quản lý, cấp đổi lô gô đối với các xe taxi công nghệ để nắm bắt chính xác số lượng và tình hình hoạt động.

Tuấn Khải - Tiến Thành