Canh tác ngô hướng đến xuất khẩu

Kinh tế - Ngày đăng : 07:05, 11/09/2017

(HNM) - Ngoài hình thành vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm từ ngô đang được phát triển theo hướng nâng cao tính cạnh tranh và khai thác để xuất khẩu.


Trong khi ở một số địa phương có xu hướng giảm mạnh thì với xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) diện tích trồng ngô ngày một tăng và trở thành cây vụ đông cho hiệu quả kinh tế khá. Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Nam Phương Tiến Lê Văn Lanh, từ năm 2014, ngô trở thành cây trồng chủ lực vụ đông của xã. Toàn bộ diện tích đất 2 lúa chân vàn có thể sản xuất vụ đông được trồng 100% cây ngô (trên 80ha), chiếm gần 20% tổng diện tích ngô vụ đông của huyện Chương Mỹ.

Được sự giúp đỡ của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nông dân Nam Phương Tiến đã thâm canh giống ngô mới với kỹ thuật hiện đại. Các ruộng ngô đều chủ động thời vụ gieo trồng, bảo đảm yêu cầu sinh trưởng, phát triển với kỹ thuật không làm đất, che phủ bằng rơm rạ, cây giống sản xuất bằng bầu cải tiến, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất từ 15 đến 20%. Hiện, ngô đông ở Nam Phương Tiến đạt năng suất bình quân hơn 6 tấn/ha với giá trị hơn 40 triệu đồng, tăng hiệu quả kinh tế từ 20 đến 30% so với phương thức canh tác truyền thống.

Không chỉ ở xã Nam Phương Tiến của thành phố Hà Nội, tại nhiều địa phương phía Bắc, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, việc chuyển đổi này cũng đạt được kết quả tích cực. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hầu hết các mô hình chuyển đổi sang trồng ngô đều đạt hiệu quả kinh tế cao hơn 2-3 lần so với trồng lúa. Năng suất ngô tại nhiều mô hình đạt 10-12 tấn/ha, có thể cạnh tranh với ngô nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Sơn, không phải địa phương nào cũng quy hoạch và định hướng phát triển cây ngô một cách bài bản. Từ năm 2014 đến nay, tình hình sản xuất ngô vụ đông có chiều hướng suy giảm, không ổn định. Nguyên nhân chính do năng suất ngô vụ đông thấp, thiếu ổn định, chi phí sản xuất lớn khiến nông dân không mặn mà, ngoài ra còn bởi chưa tìm được giống ngô thích hợp và chưa có công nghệ đồng bộ...

Từ lâu đã tồn tại nghịch lý, là quốc gia có diện tích sản xuất ngô lớn, song hằng năm Việt Nam phải nhập khẩu hàng triệu tấn ngô. Cụ thể, năm 2016, Việt Nam nhập khoảng 8,3 triệu tấn ngô với giá trị 1,65 tỷ USD bởi lượng sản xuất trong nước chỉ đạt 5,1 triệu tấn, đáp ứng 40% nhu cầu. Vẫn là nghịch lý khi nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu ngô thì ở vùng sản xuất ngô lớn như miền núi phía Bắc, Ðông Nam Bộ… việc tiêu thụ ngô gặp nhiều khó khăn, giá thấp, có thời điểm chưa đến 4.000 đồng/kg...

Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT đã định hướng phát triển ngô thành cây trồng chủ lực phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu. Dự kiến đến năm 2020, cả nước gieo trồng 1,16 - 1,26 triệu hécta ngô, tập trung ở các vùng: Đồng bằng Sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Để khôi phục và phát triển cây ngô thành cây trồng chủ lực, hình thành vùng nguyên liệu cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát quy hoạch sản xuất ngô trên địa bàn trong quá trình điều chỉnh các phương án quy hoạch chuyên ngành có liên quan. Phương án quy hoạch cần gắn chặt sản xuất với thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm ngô. Đặc biệt, chú trọng tạo giống lai năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, chịu lạnh, hạn, úng, phèn… Vấn đề đặt ra trong thời gian tới là cần thực hiện các giải pháp hạ giá thành sản phẩm ngô trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh với ngô nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu.

Đỗ Minh