Phải gần dân hơn nữa!

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:49, 12/09/2017

(HNM) - Tủ sách pháp luật là một hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật quan trọng đến với cán bộ, người dân, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, nâng cao dân trí…


Phản ánh từ các địa phương, trong đó có TP Hà Nội cho thấy, tủ sách pháp luật ở cơ sở mắc “bệnh” chung là nguồn sách cung cấp đều trông chờ từ cấp trên phân bổ. UBND cấp xã, phường, thị trấn không bố trí được kinh phí để bổ sung sách, báo, tài liệu pháp luật mới. Ngoài ra, thiết chế này thường được bố trí ở phòng làm việc của cán bộ tư pháp, điểm bưu điện văn hóa xã hoặc bộ phận “một cửa” nên người dân… ngại đến tìm đọc. Trong khi đó, văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ hằng năm khá nhiều, làm cho việc cập nhật thay thế kịp thời cũng không dễ dàng. Đặc biệt, những loại văn bản liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như chính sách đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng... không được cập nhật dẫn đến sức hút với người dân còn hạn chế...

Trước thực tế trên, không ít người đặt câu hỏi: Liệu có nên duy trì tủ sách pháp luật; nếu duy trì thì cần phải có giải pháp đổi mới ra sao để tránh lãng phí, đáng “đồng tiền, bát gạo”?

Phải khẳng định, việc xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ sở là một chủ trương đúng, thể hiện qua Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25-1-2010 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hơn nữa thì nhất định vấn đề này phải có sự điều chỉnh, không “cào bằng” về phương pháp, cách thực hiện giữa các vùng địa lý (nông thôn, thành thị, miền núi, hải đảo) mà cần căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương. Điều này đòi hỏi Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần có thống kê phân vùng cụ thể để tư vấn giúp UBND cấp tỉnh có sự đầu tư thỏa đáng với từng khu vực, từ đó dẫn tới hiệu quả tuyên truyền pháp luật đạt hiệu quả cao nhất. Ví dụ, với khu vực đô thị, tủ sách pháp luật nên đặt tại nhà văn hóa, khu sinh hoạt cộng đồng và nên tập trung vào những vấn đề liên quan đến công tác xây dựng, trật tự đô thị… Với người dân vùng ven đô thì đó là những chủ trương, chính sách liên quan đến giải phóng mặt bằng, Luật Đất đai…

Đặc biệt, ở cấp xã, phường, thị trấn, thậm chí thôn, bản, tổ dân phố rất cần bổ sung nhân lực am hiểu pháp luật để khi người dân đọc mà chưa hiểu thì có thể nhờ hướng dẫn, giải đáp. Quá trình này cần được làm bài bản cùng với việc cập nhật thường xuyên vào tủ sách những văn bản mới để tránh tình trạng hướng dẫn, tuyên truyền sai pháp luật.

Điều đáng lưu ý với những địa bàn thành thị, nhất là tại TP Hà Nội, với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay kéo theo việc người dân có thêm nhiều cơ hội để tra cứu tìm hiểu pháp luật qua mạng internet. Tuy nhiên, bất cập trong vấn đề này là việc tra cứu trên mạng vẫn có những mặt trái, bởi người tra cứu nếu không rõ nguồn gốc xuất xứ của trang tin tham khảo rất dễ hiểu sai, thực hiện không đúng… Chính vì thế, việc có một cơ sở dữ liệu pháp luật trên mạng được cấp phép, thường xuyên cập nhật, dễ tra cứu là rất cần thiết. Hệ thống cơ sở dữ liệu này cũng rất cần được tuyên truyền liên tục để người dân có thể nắm bắt, truy cập. Địa điểm bố trí tủ sách pháp luật ở cơ sở nếu gắn với hoạt động tra cứu văn bản từ nguồn chính thức này sẽ là một hướng đổi mới hiệu quả.

Tủ sách pháp luật được khai thác, sử dụng hiệu quả sẽ trở thành công cụ hữu hiệu nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan nhà nước và trình độ dân trí!

Đan Nhiễm