Phụ nữ với phong trào làm sạch ruộng đồng
Đời sống - Ngày đăng : 06:29, 12/09/2017
Cán bộ Hội Phụ nữ kiểm tra, đôn đốc việc thu gom rác thải độc hại, bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở huyện Ba Vì. |
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Minh (huyện Thường Tín) Trần Hồng Hạnh chia sẻ: Việc vứt bỏ chai lọ, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng trên đồng là thói quen không tốt làm ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí, gây nguy hiểm cho chính người nông dân. Nhận thức rõ điều đó, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình “Sạch đồng ruộng” bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Qua kiểm tra thực tế, Hội Liên hiệp phụ nữ xã kiến nghị đặt 140 thùng, xây 5 bể chứa rác trên đồng ruộng. Đến nay, 90% cán bộ, hội viên và nhân dân thực hiện thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật, túi ni lông, xác động vật chết theo quy định. Bên cạnh đó, mỗi chi hội thành lập 3 nhóm tự quản (10 thành viên), thực hiện thu gom, phân loại rác thải ở đồng ruộng rồi tập kết về nơi chờ xử lý. Từ đầu năm đến nay, toàn xã Tân Minh đã thu gom 500kg rác độc hại gồm: Vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, túi ni lông...
Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) triển khai mô hình “Sạch đồng ruộng” cũng rất bài bản. Sau khi phối hợp khảo sát 40ha ruộng, hội vận động xây 94 bể bê tông chứa rác, 10 băng rôn và 5 bảng biển tuyên truyền. Hằng năm, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vạn Phúc phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tổ chức tập huấn chuyển giao công nghệ trồng cây ăn quả và quy trình lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật “4 đúng” (đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng, đúng thời gian quy định). Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đặng Thị Lan Anh khẳng định, đến nay các xứ đồng không còn tình trạng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt tràn lan. Mô hình đã đem lại hiệu quả rõ rệt.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội cho biết, toàn thành phố có 243 xã, thị trấn triển khai mô hình “Sạch đồng ruộng” trên diện tích hơn 39.000ha. Phụ nữ đã phối hợp đặt gần 2.400 thùng chứa rác, thu gom hơn 200 tấn rác thải. Sau một năm, không chỉ riêng chị em tham gia, mà mô hình đã huy động được sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, đoàn thể và người dân. Từ đó góp phần tăng năng suất, chất lượng, cung cấp sản phẩm nông nghiệp an toàn cho xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hiện nhận thức của một bộ phận phụ nữ và nhân dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường còn hạn chế. Công tác tuyên truyền ở một số chi hội chưa được thường xuyên. Vẫn còn có hội viên, người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng không đúng quy trình, bỏ vỏ bao bì chưa đúng nơi quy định. Rác thải tuy đã được thu gom nhưng chưa được vận chuyển và xử lý kịp thời, đúng kỹ thuật, nhất là những rác thải độc hại như vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Dù mô hình của Hội Liên hiệp phụ nữ được cấp ủy, chính quyền công nhận, đánh giá cao, nhưng tại một số địa phương, các ban, ngành vẫn còn chưa tích cực phối hợp. Trong khi đó, do kinh phí hạn hẹp, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, trang bị khẩu trang, găng tay cho các đội tình nguyện, lắp đặt thùng chứa, xây bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật...
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết, trong thời gian tới, các cấp hội phụ nữ cần lập kế hoạch, lộ trình cụ thể; chủ động tham mưu với cấp ủy, làm việc với UBND các cấp để đề xuất, kiến nghị tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí nhằm tiếp tục triển khai xây dựng, duy trì mô hình; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội làm sạch đồng ruộng. Bên cạnh đó, công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng dẫn quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, chăn nuôi an toàn... cũng phải đến được với từng hội viên, người dân.