HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về thu gom, xử lý chất thải, quản lý hồ nước

Chính trị - Ngày đăng : 08:19, 12/09/2017

(HNMO) - Sáng 12-9, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình công tác quản lý nhà nước về thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải y tế và quản lý hồ nước khu vực nội thành trên địa bàn thành phố.

Dự và chủ trì phiên giải trình có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy; Vũ Hồng Khanh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP Hà Nội.

Toàn cảnh phiên giải trình


Sẽ xem xét, biểu quyết, thông qua kết luận phiên giải trình và giám sát tổ chức thực hiện

Phát biểu khai mạc phiên giải trình, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố nhấn mạnh, trong phiên họp này, Thường trực HĐND Thành phố lựa chọn vấn đề môi trường, trong đó tập trung vào các vấn đề cụ thể là công tác quản lý nhà nước về thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải y tế và quản lý hồ nước khu vực nội thành trên địa bàn TP Hà Nội để yêu cầu UBND Thành phố và các cơ quan liên quan giải trình.

Đây là những lĩnh vực mà HĐND Thành phố đã có nhiều Nghị quyết, tổ chức các các cuộc giám sát và chất vấn tại các kỳ họp HĐND. Thành phố cũng đã có nhiều cố gắng trong triển khai thực hiện như phân cấp mạnh cho cơ sở, phân công nhiệm vụ cho các ngành, đầu tư kinh phí thoả đáng cho công tác môi trường, đổi mới công tác thu gom vận chuyển rác, ứng dụng thiết bị cơ giới hoá trong thu gom xử lý rác... Nhờ đó, môi trường của Thành phố bước đầu có nhiều chuyển biến tích cực. Thành phố sáng, xanh, sạch đẹp hơn...

Chủ tịch HĐND Thành phố phát biểu khai mạc phiên giải trình


Tuy nhiên, việc xử lý chất thải rắn xây dựng của Thành phố vẫn chủ yếu theo hình thức chôn lấp, một số bãi chôn lấp phế thải hiện nay đang trong tình trạng đầy, quá tải và chuẩn bị đóng bãi; tình trạng chất thải xây dựng bị đổ trộm, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nhân dân; một số bệnh viện, cơ sở y tế thực hiện quy trình phân loại, thu gom và xử lý chất thải y tế còn chưa nghiêm túc; công tác quản lý nước hồ tại các quận chưa chặt chẽ, để xảy ra tình trạng lấn chiếm, đổ chất thải vào các hồ…


Với thực trạng trên, Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị, tại phiên giải trình này, các đại biểu, cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân và xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức liên quan và người dân, đồng thời đề xuất lộ trình khắc phục những hạn chế đó.

Căn cứ kết quả giải trình của các sở, ngành, quận, huyện và phương hướng, lộ trình giải quyết, Thường trực HĐND Thành phố sẽ xem xét, biểu quyết, thông qua kết luận phiên giải trình hôm nay và giám sát tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến về công tác quản lý nhà nước về môi trường của chính quyền Thành phố thời gian tới, tạo sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô trở thành đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, môi trường được cải thiện, phát triển bền vững, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cử tri và nhân dân Thủ đô.

Đại biểu HĐND "truy" trách nhiệm lãnh đạo các địa phương, sở ngành khi để rác ùn ứ

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, các đại biểu HĐND đã đặt nhiều câu hỏi cho lãnh đạo các địa phương, sở, ngành, tập trung vào vấn đề thu gom, xử lý chất thải, rác thải trên địa bàn thành phố.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai chất vấn tại phiên giải trình.

Nêu câu hỏi đầu tiên, đại biểu Phạm Thị Thúy Hằng cho rằng, thành phố đã có quy định về phân luồng rác thải. Để xảy ra tình trạng rác thải ùn ứ kéo dài tại một số huyện gây ô nhiễm mà không được vận chuyển đi, trách nhiệm của các cơ quan trong việc tham mưu cho thành phố về việc phân luồng, vận chuyển, định mức rác thải trong thời gian qua như thế nào?

Đại biểu Phạm Xuân Phương đặt vấn đề về việc tính toán triển khai xây dựng đầu tư xử lý rác tại bãi rác Nam Sơn. Với tốc độ hiện tại, vào những ngày cao điểm có thể lên tới 5.000 tấn rác/ngày đêm, phương án đầu tư xử lý của thành phố ra sao? Liệu chỉ bằng phương án xã hội hóa thì có thể triển khai giải quyết kịp thời không?

Đại biểu Hoàng Việt Cường đề nghị Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết trách nhiệm quản lý vận hành, giám sát thu gom, tiến độ xây dựng các điểm thu gom của chính quyền địa phương? Tại quận Ba Đình, trên một số tuyến phố Văn Cao, Trần Phú... vẫn còn tình trạng rác thải bừa bãi, quán bán hàng ăn xả rác bừa bãi, trách nhiệm của chính quyền thế nào? 

Đại biểu Nguyễn Minh Đức đặt vấn đề về tình trạng đổ trộm rác thải xây dựng đang được các chủ đầu tư cố tình vi phạm tại một số tuyến đường giáp ranh. Trách nhiệm của Sở Xây dựng thế nào? Về tình trạng ô nhiễm hồ, hiện đã cải tạo nhiều hồ nhưng còn nhiều hồ vài chục năm bị lấn chiếm tại quận Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân, trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng về vấn đề này?...

Nhiều khó khăn trong giữ sạch địa bàn do ý thức người dân còn kém

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, trên địa bàn huyện có 30 xã và 2 thị trấn, diện tích rộng, dân số đông, bình quân mỗi ngày thải ra 150 tấn rác. Ngoài ra, còn rất nhiều cụm công nghiệp, trường nghề trên địa bàn.

Theo phân luồng rác trên địa bàn, rác được tập kết đưa về bãi rác Xuân Sơn (Sơn Tây). Từ đầu năm đến nay, còn tồn 16.000 tấn rác do bãi rác Xuân Sơn đóng cửa 4 lần. Trong khi đó, trên địa bàn huyện không có nhà máy xử lý nên rác đành được để yên tại chỗ, phủ bạt, từ đó gây ô nhiễm môi trường.

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ trả lời chất vấn tại phiên họp.

Về giải pháp lâu dài, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, Chính phủ đã quy hoạch trên địa bàn huyện có hai nhà máy xử lý rác thải hiện đại theo phương pháp đốt là Núi Thoong và Đồng Ké. Hiện nay, thành phố đang tìm nhà đầu tư để triển khai. Tuy nhiên, huyện đề nghị thành phố tìm công nghệ hiện đại cho hai nhà máy này để bảo đảm tính bền vững trong hoạt động. 

Ông Lê Hồng Hà, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết, tới đây huyện sẽ tăng mức hỗ trợ thu gom rác thải từ 30% lên 50%. 50% còn lại do người dân đóng góp.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình thừa nhận, trên địa bàn quận còn tồn tại vài điểm tồn đọng rác. Vào giờ cao điểm 18-23 giờ hằng ngày, nhiều người dân còn có ý thức kém, vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định. Thực hiện chủ trương của HĐND, UBND TP trong thu gom rác thải nội thành, quận đã triển khai nghiêm túc, lấy tuyên truyền là chính. Thời gian qua, các lực lượng chức năng cũng đã kiểm tra, xử phạt trên 220 trường hợp với số tiền hơn 200 triệu đồng.

Ý thức địa bàn quận Ba Đình là khu vực trung tâm của Thủ đô, có nhiều khách trung ương và quốc tế, từ đầu tháng 9-2017, quận đã cử cán bộ phụ trách các phường thường xuyên kiểm tra vào giờ cao điểm, tại các điểm dễ nảy sinh điểm rác. Công an quận chỉ đạo cảnh sát khu vực phối hợp cùng kiểm tra, nhắc nhở người dân.

Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong cũng thừa nhận, trên địa bàn quận vẫn còn một số điểm tồn đọng rác ở phường Cầu Dền, đường Trần Thánh Tông... Nguyên nhân là do quận chưa tìm được địa điểm làm trạm trung chuyển phù hợp và việc bố trí các thùng rác trên địa bàn còn thiếu. 

"Vừa qua, quận đã bố trí được 850 thùng rác nhưng vẫn thiếu so với hợp đồng, nên sẽ bố trí thêm khoảng 750 thùng nữa, đồng thời tăng dung lượng các thùng chứa. Như vậy sẽ giúp giảm gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan. Tới đây, quận sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, hạn chế ùn ứ; tăng cường các chế tài để nâng cao tính răn đe" - ông Vũ Đại Phong nói.

Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, thời gian tới, quận sẽ tập trung kiểm tra, giám sát và tăng xử phạt các trường hợp đổ trộm rác thải xây dựng. Lãnh đạo phường nếu để xảy ra vi phạm sẽ bị xem xét trách nhiệm. Quận cũng đang nghiên cứu giải quyết điểm trung chuyển rác cho các hộ dân. Một số phường đã đề xuất lựa chọn các điểm đất công làm bãi tập trung, nghiên cứu cơ chế ký hợp đồng với đơn vị làm công tác vệ sinh trên địa bàn...


Giám đốc Sở Xây dựng nhận trách nhiệm trong chậm triển khai các nhà máy xử lý rác

Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Thị Thanh Mai về việc triển khai quy hoạch ngành về xử lý thu gom, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục thừa nhận, việc xây dựng các khu xử lý rác công nghệ cao hiện đang chậm và xin nhận một phần trách nhiệm. Thời gian tới, với trách nhiệm của mình, Sở Xây dựng sẽ tập trung phối hợp cùng các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ GPMB, thực hiện các dự án. 


Về công nghệ xử lý của những dự án, nhà máy xử lý rác thải, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, theo quy hoạch, toàn Thành phố có 17 khu xử lý rác thải. Vừa qua, do yêu cầu và thực tiễn, Thành phố có báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thêm một khu tại Tả Thanh Oai (Thanh Trì), nâng tổng số lên 18 khu.


Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền.


Qua quá trình triển khai thực hiện, có 8 khu đã được cải tạo nâng cấp mở rộng (trong đó có 2 khu đã có chủ trương của Thành phố là dừng chôn lấp và trồng cây xanh: Kiêu Kỵ - Gia Lâm và Vân Đình - Ứng Hoà); 6 khu đang tiếp tục đầu tư cải tạo với diện tích hơn 300 ha, trọng tâm là khu tại Sóc Sơn và Xuân Sơn (Sơn Tây) và 10 khu xây dựng mới (trong đó có 6/10 khu đang được triển khai thực hiện theo hình thức xã hội hoá, còn lại 4 khu chưa được triển khai thực hiện).

Về tình hình triển khai các dự án nhà máy trong các khu xử lý chất thải, qua tổng hợp của Sở, có 20 dự án, trong đó có 14 dự án có quyết định đầu tư với tổng diện tích 170 ha với tổng công suất 10.400 tấn/ngày.Về hình thức đầu tư: đầu tư trực tiếp (12 dự án), theo hình thức PPP (12 dự án), đầu tư trong nước (13 dự án, đầu tư nước ngoài 1 dự án). Tính đến nay, có 5 dự án đã đi vào hoạt động và 5 dự án đang triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư, 1 dự án đang thực hiện lựa chọn nhà đầu tư, 1 dự án đã có quyết định đầu tư nhưng di chuyển địa điểm và 2 dự án có chủ trương dừng chôn lấp; 4 dự án đang nghiên cứu đầu tư và các dự án còn lại đang triển khai chủ trương. 

Liên quan đến nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực rác thải giai đoạn 2011-2017, tổng kinh phí là 6.335 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách đầu tư cho hạ tầng các khu xử lý rác (tập trung ở hai khu của huyện Sóc Sơn và Xuân Sơn - Sơn Tây) là 1.665 tỷ đồng và hỗ trợ đầu tư hạ tầng xã hội cho các xã bố trí quỹ đất cho dự án xử lý rác là 870 tỷ đồng.

Trong kêu gọi xã hội hoá, tính đến nay có 14 dự án với tổng mức đầu tư 3.800 tỷ đồng.

Đối với tổng khu xử lý rác ở Sóc Sơn, đang có 6 dự án đang triển khai, trong đó có 3 dự án đầu tư bằng vốn ngân sách, 1 dự án từ vốn xã hội hoá và 2 dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Liên quan đến vấn đề lựa chọn công nghệ xử lý rác, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, từ lãnh đạo Thành phố cho đến sở, ngành, quận, huyện đều băn khoăn, cân nhắc lựa chọn công nghệ với mong muốn có được công nghệ tốt nhất, hiện đại nhất nhưng phải cân đối được nguồn vốn.

Qua ý kiến của lãnh đạo các quận, huyện, giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có giải trình làm rõ thêm một số nội dung và nhấn mạnh, lãnh đạo các quận, huyện, phường, xã phải xác định nhiệm vụ liên quan đến xử lý rác là thường xuyên, liên tục. (Xem chi tiết phát biểu của Chủ tịch UBND Thành phố tại đây)



Xử lý ngay những điểm “đen” về rác trong tháng 9-2017

Kết luận tại phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá: Phiên giải trình thành công, với 100% các chủ tịch quận, huyện, giám đốc sở, ngành dự họp đầy đủ, có trách nhiệm. Phiên giải trình được thực hiện đúng với Luật Giám sát và bảo đảm đúng yêu cầu đặt ra là đã lựa chọn được nội dung quan trọng, cấp bách mà thành phố, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm.


Theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, phiên giải trình đã thành công, đạt hiệu quả tốt với 16 ý kiến phát biểu của lãnh đạo các quận, huyện, sở, ngành. Đáng chú ý, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã nêu ra những vấn đề nổi bật trong việc xử lý chất thải, bảo vệ môi trường với những đầu việc cụ thể mà thành phố đã làm được, những tồn tại và giải pháp sẽ được thực hiện thời gian tới.

Từ kết quả đạt được của phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu triển khai một số công việc cấp bách như sau: UNBD thành phố triển khai các công việc mà Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã nêu tại phiên giải trình; các quận, huyện có ngay giải pháp khắc phục những điểm “đen” về rác đã được nêu tại phiên giải trình, có lộ trình thực hiện cụ thể, báo cáo kết quả thực hiện ngay trong tháng 9 này. Trong tháng 11 và 12-2017, HĐND thành phố sẽ tái giám sát và quay video để so sánh.

Nhóm PV HNMO - Ảnh: Viết Thành