Thương hiệu cho nông sản

Kinh tế - Ngày đăng : 07:01, 13/09/2017

(HNM) - Trong hàng chục nông sản đặc sản, Hà Nội mới có 13 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu. Để nâng cao giá trị, thành phố đang tích cực quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho nông sản.

Chăm sóc rau hữu cơ tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Quang Thiện


Sản phẩm rau hữu cơ của xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, là một trong những nông sản nổi tiếng của Hà Nội. Bình quân mỗi năm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân đưa ra thị trường 400 tấn rau, đem lại thu nhập khoảng 6 tỷ đồng. Để bảo đảm chất lượng hàng hóa, bao tiêu sản phẩm cho xã viên, hợp tác xã đã ký kết thu mua đối với 12 công ty và 65 điểm bán sản phẩm hữu cơ tại Hà Nội.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân Lê Minh Quyền cho biết: Giá rau hữu cơ của địa phương dao động từ 20 nghìn đồng đến 25 nghìn đồng/kg, cao gấp 2 - 2,5 lần so với các loại rau truyền thống và luôn được người tiêu dùng đón nhận. Rau hữu cơ Sóc Sơn đã được cấp chứng nhận rau hữu cơ theo tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng, có sự tham gia của các bên liên quan vào toàn bộ quá trình bảo đảm chất lượng cho sản phẩm (PGS) và được công nhận là nhãn hiệu tập thể.

Theo thống kê của Sở NN& PTNT Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 13 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ nhãn hiệu. Thành phố cũng xây dựng được 63 chuỗi cung ứng rau, thịt, hoa, quả, gạo… đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng tại chỗ và hướng tới xuất khẩu. Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT) Nguyễn Thị Thoa cho biết: Việc phát triển, xây dựng nhãn hiệu nông sản không còn là câu chuyện riêng của từng địa phương mà trở thành chiến lược phát triển của thành phố để nâng cao chuỗi giá trị. Hà Nội đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Theo đó, thành phố tập trung phát huy thế mạnh từng vùng, qua đó chọn ra những sản phẩm đặc sản để xây dựng, phát triển nhãn hiệu nông sản. Đơn cử, huyện Đan Phượng đang xây dựng nhãn hiệu cho thịt lợn chất lượng cao, an toàn xã Trung Châu. Huyện Thanh Oai có nhiều nhãn hiệu nông sản được bảo hộ như: Cam Canh Cao Viên, cam đường Kim An, gạo Bồ Nâu, gạo thơm Bối Khê, thịt lợn an toàn Hoàng Long, trứng vịt Liên Châu. Ngoài ra, huyện đang tiếp tục triển khai xây dựng thương hiệu cho sản phẩm giò chả, bánh chưng Tân Ước...

Sau khi có nhãn hiệu, giá trị nông sản của Hà Nội tăng đáng kể, từ 20 đến 25%. Song do nhiều nguyên nhân, việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho nông sản của thành phố gặp nhiều khó khăn. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết: Hạn chế lớn nhất là điều kiện sản xuất trên địa bàn thành phố còn manh mún, phân tán, chưa tập trung quy mô lớn nên việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất khá nan giải. Chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng còn nhiều khó khăn.

Để đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu nông sản, thành phố đang tập trung thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Là cánh tay nối dài của UBND thành phố về quản lý nhà nước, Sở NN&PTNT đã và đang xây dựng, lồng ghép nhiều mô hình sản xuất an toàn, hữu cơ làm tiền đề cho việc xây dựng thương hiệu nông sản. Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, bà Mai Khuê Anh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Phân phối Hapro cho rằng, ngoài sự hỗ trợ của thành phố trong xúc tiến thương mại, các chủ trang trại, vườn trại, hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân cần tuân thủ đúng quy trình sản xuất để có sản phẩm chất lượng cao... Đây là một trong những tiền đề quan trọng để xây dựng thương hiệu hàng hóa.

Đỗ Minh