Thực hư chuyện virút lạ hủy hoại phổi trong vài ngày

Sức khỏe - Ngày đăng : 19:59, 14/09/2017

Mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội xôn xao thông tin một đạo diễn truyền hình ở TP HCM bị một loại virút lạ tấn công, khiến phổi bị hủy hoại 70%.

Bệnh nhân V. đang nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy chiều 12-9 - Ảnh: Thuỳ Dương
Bệnh viện chưa tìm ra được virút nhiễm trên người bệnh nhưng người bệnh lại đáp ứng với thuốc điều trị, vậy có khả năng người bệnh nhiễm một loại virút mới mà mình chưa tìm ra được.

Bác sĩ Minh Huy

Theo bác sĩ Phạm Minh Huy - khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 13-9, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân V.T.V. (41 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) đã cải thiện, phổi phục hồi tốt hơn. Các kết quả xét nghiệm trong máu cũng tốt hơn. Hiện ông V.T.V. đã được rút máy thở.

Âm tính với các virút thường gặp

Ngày 7-9, ông V. nhập viện khoa hô hấp Bệnh viện Chợ Rẫy. Lúc đầu, ông V. được chẩn đoán viêm phổi cộng đồng nặng, đáp ứng kém với điều trị, kèm theo giảm tiểu cầu chưa rõ nguyên nhân.

Sau đó, diễn tiến của ông V. xấu dần. Người bệnh được đặt nội khí quản, thở bằng máy thở, được chuyển lên khoa hồi sức cấp cứu lúc 1h ngày 10-9. Tại đây, ông V. vẫn được chẩn đoán viêm phổi cộng đồng, tiến triển nhanh, giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân.

Diễn tiến của người bệnh phù hợp với viêm phổi do virút nên các bác sĩ vẫn nghĩ nhiều nhất đến nguyên nhân ông V. bị nhiễm virút.

Trước khi nhập viện, ông V. bị sốt, ho khan, đau nhức mình mẩy kèm theo tiêu chảy. Đó là dấu hiệu của nhiễm trùng, nhiễm virút toàn thân. Sau đó, ông bị viêm phổi nhưng kết quả xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu máu không tăng (thường do vi trùng thì bạch cầu máu sẽ tăng, còn do virút bạch cầu máu sẽ không tăng).

Ông V. đã được làm các xét nghiệm để tìm những virút thường gặp nhất ở những người bệnh bị viêm phổi nặng, phải điều trị ở khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy là cúm A (H1N1, H5N1, Avian A).

Tuy nhiên, các xét nghiệm tìm những virút này trên ông V. đều... âm tính. Ngày 12-9, ông V. đã được làm thêm một số xét nghiệm nữa để tìm thêm khoảng 7-8 loại virút nữa.

Các mẫu xét nghiệm này đã được gửi sang Viện Pasteur TP HCM.

Không phải trường hợp hiếm gặp

Bác sĩ Minh Huy cho biết, tuy kết quả các xét nghiệm lúc đầu của ông V. đều là âm tính nhưng ngay từ khi ông nhập viện, các bác sĩ đã nghĩ ông bị nhiễm virút nên đã điều trị cho ông thuốc kháng virút ngay từ đầu. Ông V. cũng đáp ứng với điều trị.

Bác sĩ Huy khẳng định, trường hợp mắc bệnh như người này không có gì lạ vì không phải trường hợp người bệnh nào cũng có kết quả dương tính, mà vẫn có một tỉ lệ cho kết quả âm tính giả do những sai sót trong lúc lấy mẫu, làm xét nghiệm.

Vì vậy, tuy người bệnh có kết quả xét nghiệm một số loại virút đều âm tính nhưng các bác sĩ vẫn nghĩ viêm phổi của người bệnh là do virút nên điều trị theo hướng này. Hiện người bệnh đáp ứng với điều trị tốt.

Bác sĩ Minh Huy cho biết, khoa hồi sức cấp cứu cũng điều trị cho một số trường hợp viêm phổi do virút nhưng có diễn tiến bệnh rất nặng.

Bệnh nặng phụ thuộc vào những yếu tố như tùy vào cơ địa người bệnh, tùy vào con virút và có thể do thời gian bắt đầu điều trị trễ, làm thời gian bắt đầu dùng thuốc kháng virút của bệnh nhân trễ.

Từ đầu năm đến nay, trong khoa có khoảng 5-7 ca tử vong do mắc bệnh viêm phổi do virút. Trước khi viêm phổi, người bệnh có biểu hiện đau nhức mình mẩy, mệt mỏi, sổ mũi, kèm theo đau cổ họng, ho khan, có thể kèm theo tiêu chảy. Trường hợp như ông V. không hiếm. Mỗi năm Bệnh viện Chợ Rẫy gặp từ 15-20 trường hợp.

Thuốc đặc hiệu điều trị cho người bệnh không "đánh" một con virút nào mà "đánh" tất cả các loại virút gây nhiễm trùng đường hô hấp. Đến nay, các bác sĩ chỉ biết người bệnh nhiễm một con nào đó chưa tìm ra được. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn có một tỉ lệ bệnh nhân không tìm thấy virút như trường hợp này.

Các hướng dẫn điều trị trên thế giới cũng ghi rằng chỉ cần nghi ngờ có nhiễm virút các bác sĩ sẽ cho dùng thuốc ngay lập tức, còn các xét nghiệm thì sẽ tính sau vì đánh virút càng sớm thì khả năng cứu sống người bệnh càng cao.

70-80% được cứu sống

Những trường hợp như ông V. có 70-80% được cứu sống, 20-30% còn lại bị tử vong. Cùng nhiễm virút nhưng có trường hợp tử vong, có trường hợp được cứu sống. Vì điều trị trong môi trường bệnh viện có nhiều vi khuẩn, có khi người bệnh lại bị nhiễm con vi khuẩn khác, từ viêm phổi do virút chuyển sang viêm phổi do vi khuẩn, diễn tiến nặng, tử vong.

Bệnh viêm phổi cộng đồng này vẫn có khả năng lây qua đường hô hấp. Nhưng tùy theo sức đề kháng của mỗi người mà có bị mắc bệnh hay không, bệnh nặng hay nhẹ.

Theo Thùy Dương/Tuổi trẻ