"Nóng" chuyện mập mờ các khoản thu
Giáo dục - Ngày đăng : 06:54, 14/09/2017
Việc thu, chi đầu năm học luôn là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Ảnh: Thái Hiền |
Lộn xộn giữa các khoản thu trong và ngoài quy định
Tâm điểm những ngày này trên mạng xã hội là việc một phụ huynh phàn nàn, thậm chí nặng lời với nhà trường khi nhận được thông báo về việc đóng góp tiền bảo hiểm. Qua tìm hiểu, đây là thông báo của Trường Tiểu học Hà Nội (quận Ba Đình) về việc thu hai khoản: Bảo hiểm y tế và bảo hiểm thân thể. Có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó hầu hết lên án, đề nghị nhà trường tập trung vào nhiệm vụ dạy học, không nên là nơi kinh doanh bảo hiểm. Số còn lại cho rằng, nhà trường đã cố tình mập mờ giữa khoản thu bảo hiểm y tế (khoản thu trong quy định) với bảo hiểm thân thể (khoản thu không bắt buộc).
Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình xác nhận sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Hà Nội, đồng thời cho biết, đã kịp thời chấn chỉnh hiện tượng này tại 49 trường mầm non, tiểu học, THCS công lập trên địa bàn. Theo yêu cầu, các nhà trường phải thông báo rõ danh mục các khoản thu, trong đó phân định rõ đâu là khoản thu theo quy định, đâu là khoản thu hộ, đâu là khoản thu tự nguyện, tránh hiện tượng mập mờ, khiến phụ huynh hiểu lầm. Khi được hỏi có hay không chuyện bắt buộc các trường thu tiền bảo hiểm thân thể, ông Nguyễn Đắc Hùng khẳng định, đây là khoản thu tự nguyện, không có quy định nào bắt buộc phụ huynh phải đóng khoản tiền này.
Nhằm tránh gây hiểu lầm, bức xúc trong phụ huynh về các khoản thu dịp đầu năm học, tại Hướng dẫn số 2244/SGD&ĐT-KHTC ngày 12-7-2016, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các trường khi triển khai công tác thu chi phải làm rõ nội dung, mục đích và vị trí của từng khoản thu, tuyệt đối không được thu các khoản trái quy định. Việc đánh đồng, đưa vào cùng danh mục khoản thu bảo hiểm y tế và bảo hiểm thân thể như tại Trường Tiểu học Hà Nội là sai quy định, khiến phụ huynh hiểu rằng đây là hai khoản thu bắt buộc.
Siết chặt giám sát, kiểm tra
Không chỉ xảy ra tại Hà Nội, mới đây, trên mạng xã hội còn đăng tải một tờ phiếu thu được cho là của một trường THCS ở Hải Phòng với tổng số tiền hơn 9 triệu đồng cho gần hai chục khoản thu. Việc tạm đình chỉ chức vụ hiệu trưởng của trường này thể hiện động thái tích cực của cơ quan chức năng trong việc kiên quyết, nghiêm khắc với tình trạng lạm thu - căn bệnh khó chữa của ngành Giáo dục nhiều năm nay.
Tại Hà Nội, mối quan tâm hiện nay của dư luận tập trung vào hai trường: Tiểu học Uy Nỗ (huyện Đông Anh) và Tiểu học thị trấn Chúc Sơn A (huyện Chương Mỹ) khi có phản ánh của phụ huynh về một số khoản thu được cho là không hợp lý. Đơn cử, Trường Tiểu học thị trấn Chúc Sơn A thu các khoản "nguyện phí", thuê thiết bị máy học tin học, làm quen tiếng Anh, giáo dục ngoài giờ chính khóa… Trường Tiểu học Uy Nỗ thu tiền học tiếng Anh, sách tiếng Anh, kỹ năng sống, sổ liên lạc điện tử, tiền lắp máy điều hòa…
Điểm chung của các trường là các khoản trên mới đang ở khâu thông báo cho phụ huynh, chưa triển khai thu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), việc phụ huynh phản ứng cho thấy các trường chưa làm đúng theo quy định tại Quyết định 51/2013/QĐ-UBND về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập TP Hà Nội.
Trước băn khoăn về khoản “nguyện phí” của Trường Tiểu học thị trấn Chúc Sơn A, ông Nguyễn Viết Cẩn cho biết, ngành Giáo dục không có quy định nào về khoản này, cũng không rõ đây là khoản thu gì. Về việc thu tiền thuê thiết bị học tin học, theo ông Nguyễn Viết Cẩn, việc này được áp dụng với các trường còn khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, tuy nhiên chỉ được thu tiền của phụ huynh nếu tổ chức học tập ngoài giờ. Trong trường hợp tổ chức học tin học theo chương trình chính khóa đã có kinh phí trong ngân sách chi trả.
Đối với Trường Tiểu học Uy Nỗ, bà Dương Thị Sáu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh xác nhận, việc thu tiền lắp máy điều hòa của trường là sai do chưa có sự đồng thuận của phụ huynh, vì vậy đã yêu cầu trường trả lại khoản tiền này. Với các khoản thu tự nguyện, theo bà Dương Thị Sáu, nhà trường đã thực hiện đúng quy định, không có việc ép học sinh học để thu tiền hoặc chuyển lớp nếu học sinh không đăng ký học tiếng Anh.
Trước những khúc mắc nêu trên, ông Nguyễn Viết Cẩn cho biết, ngày 12-9, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thành lập các Đoàn kiểm tra trực tiếp tại các trường này và kiểm tra đột xuất tại nhiều trường khác. Nếu phát hiện sai phạm, sẽ kỷ luật nghiêm khắc đối với hiệu trưởng nhà trường và những người liên quan, tuyệt đối không để hiện tượng lạm thu tồn tại, gây bức xúc trong phụ huynh, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành.
Quyết định 51/2013/QĐ-UBND về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập Hà Nội quy định các trường được phép thu 9 nội dung, gồm: Bán trú, học 2 buổi/ngày, học phẩm, nước uống, bảo hiểm y tế, dạy thêm học thêm trong nhà trường, đồng phục, tài trợ, tự nguyện. Riêng với khoản thu tự nguyện, các trường phải tuân thủ 4 bước: Thống nhất chủ trương trong ban giám hiệu và ban đại diện cha mẹ học sinh; lập kế hoạch công việc và dự trù kinh phí, niêm yết công khai ít nhất 1 tuần; báo cáo cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp; đưa vào sổ sách kế toán theo quy định và công khai báo cáo quyết toán kinh phí đã huy động. Yêu cầu bắt buộc với các trường là chỉ được tiến hành thu khi có sự đồng ý của cơ quan quản lý. |