Thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi... vẫn vướng

Văn hóa - Ngày đăng : 16:11, 14/09/2017

(HNMO) – Gần đây, việc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tuyên bố tiếp tục thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi tại các khách sạn từ đầu tháng 10-2017 sau thời gian tạm dừng thu phí, khiến dư luận một lần nữa băn khoăn.


Việc VCPMC thông báo tiếp tục thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi đã gây nên những ồn ào, phản ứng trong giới kinh doanh khách sạn.


Bên quyết thu, bên phản ứng


Như HNMO đưa tin, ngày 11-9 vừa qua, VCPMC tuyên bố sẽ trở lại việc thu phí, bắt đầu từ tháng 10-2017. Nhạc sĩ Phó Đức Phương Giám đốc VCPMC khẳng định, hiện nay VCPMC đã xác định tác giả thành viên ủy quyền, xây dựng biểu mức, tiến hành đàm phán thỏa thuận với tổ chức/cá nhân sử dụng âm nhạc.

VCPMC chỉ thu đối với những tác phẩm, tác giả đã ủy quyền theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện đối soát và cung cấp thông tin công khai dựa trên danh sách tác phẩm - tác giả mà tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng. Vì việc làm này đã được hoàn thiện nên VCPMC sẽ tiến hành thu tác quyền theo đúng quy định. Mức phí tạm thời mà VCPMC đưa ra là 25.000đ/năm đối với 1 ti vi, tính ra là 2.000đ/tháng.

Sau thông báo này của VCPMC, ngay lập tức Hiệp hội các sạn Đà Nẵng đã tổ chức họp thành viên ban chấp hành để thông qua nhiều vấn đề và đã thống nhất không nộp tiền tác quyền âm nhạc qua tivi khách sạn.

Theo lập luận của Hiệp hội khách sạn Đà Nẵng, các khách sạn ở đây sẽ không đóng phí thu tác quyền âm nhạc qua ti vi vì VCPMC chưa đối chất sòng phẳng với các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn mà đã tiếp tục thông báo thu phí.

Bà Dương Thị Thơ, Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Đà Nẵng cho rằng các khách sạn đã chi trọn gói cho các đơn vị truyền hình cáp, nay lại đòi thu thêm phí tác quyền bài hát là không hợp lý, như thế là “phí chồng phí”.

Hơn nữa, tivi ở khách sạn tập hợp cả trăm chương trình chứ không riêng về âm nhạc. Chưa kể, khách ở khách sạn ít nghe nhạc. Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng sẽ thông báo đến tất cả khách sạn ở TP không phải nộp tiền nếu VCPMC đến thu.

Ngoài ra, trong tuần này, hiệp hội sẽ gửi thông báo về việc dự thảo không trả phí tác quyền qua tivi khách sạn đến Sở Du lịch TP Đà Nẵng để đơn vị này nắm rõ.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC khẳng định, sẽ có những biện pháp để buộc các chủ khách sạn phải đóng phí tác quyền âm nhạc qua ti vi.


Trước sự phản đối của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, trao đổi với báo chí, nhạc sĩ Phó Đức Phương vẫn khăng khăng, việc thu phí này là đúng luật nên không có lý do gì không thu phí.

“Những đơn vị nhất định không đóng tiền có thể không sử dụng nhạc. Họ có thể không đặt tivi trong phòng hoặc nếu đặt thì tìm cách cắt hết các bản nhạc, bài hát, nhạc phim. Tôi nghĩ việc cắt đi có khi còn tốn kém gấp trăm nghìn lần việc đóng 25.000 đồng mỗi tivi một năm, tính ra là 2.000 đồng một tháng. Họ cũng cần chứng minh đã không sử dụng nhạc của chúng tôi. Họ có thể thắc mắc mức phí đắt hay rẻ. Chúng tôi hoàn toàn có thể nghiên cứu, điều chỉnh. Nếu họ dứt khoát không nộp tiền là phạm luật”, nhạc sĩ Phó Đức Phương cương quyết.

Phía VCPMC cũng lập luận, dù khách hàng có nghe hay không, khách sạn vẫn phải trả tiền phí này vì khi lắp đặt ti vi trong khách sạn đã có những kênh âm nhạc và khách đã phải trả chi phí này cho khách sạn trong gói dịch vụ.

Chưa thể thỏa thuận, khó có thể thu phí

Trước những ồn ào, tranh cãi qua lại giữa một bên khăng khăng đòi thu phí tác quyền qua ti vi và một bên cũng cương quyết không nộp vì cho rằng chưa được thỏa thuận rõ ràng, minh bạch, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL) cho biết, việc thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi của VCPMC về lý thuyết là không sai vì điều này đã có trong quy định về Luật Sở hữu trí tuệ và trong Công ước Berne.

Tuy nhiên, khi thực hiện ở Việt Nam cần phải có sự điều chỉnh phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế. Quan trọng nhất là VCPMC phải xác định được rõ tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ mà mình bảo hộ có trong danh mục thu phí.

Ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền.


Ông Bùi Nguyên Hùng cũng khẳng định, trong cuộc họp với VCPMC vào tháng 5 -2017 và cuộc họp lại vào ngày 18-8 vừa qua, Cục Bản quyền vẫn yêu cầu VCPMC xác định tác phẩm âm nhạc được khai thác của chủ sở hữu quyền tác giả là hội viên của trung tâm và xây dựng biểu mức quyền tác giả quyền liên quan đối với tác phẩm được khai thác sử dụng, sau đó tiến hành đàm phán để nhận được sự đồng thuận.

Phía Cục Bản quyền cho biết, hoạt động giữa VCPMC và các khách sạn là hoạt động dân sự nên cần có sự thỏa thuận giữa hai bên. Phía Cục Bản quyền không có chức năng đưa ra văn bản cho phép VCPMC có được phép thu phí hay không.

Ông Bùi Nguyên Hùng cho biết, việc làm cần thiết hiện nay của VCPMC là cần phải có sự thỏa thuận với các khách sạn để đưa ra được mức thu hợp lý. Nếu như trong quá trình thực hiện, những thỏa thuận này không đạt được và tiếp tục gây những tranh cãi, ồn ào thì Cục Bản quyền sẽ xem xét và có thể lại yêu cầu dừng cho tới khi cả hai đat được thỏa thuận như ý. Phía Cục Bản quyền cũng nhận định, với mức biểu giá hiện nay mà VCPMC đưa ra và định áp đặt với các khách sạn có nhiều điều vô lý, cần phải làm rõ ràng hơn nữa.

Như vậy, việc thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi mới được xới lên nhưng tiếp tục gây ra những tranh cãi. Những tranh cãi này nảy sinh cũng bởi cách thu, mức thu của VCPMC chưa thuyết phục được những đối tượng bị thu. Khi vẫn còn có những nội dung khó xác định được trong thực tế như các tác giả, bài hát trên ti vi, khách có xem chương trình âm nhạc trên vi vi hay không… thì câu chuyện thu phí tác quyền âm nhạc này sẽ còn nan giải.

Hoàng Lân