Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị khẩn cấp ứng phó bão số 10

Chính trị - Ngày đăng : 10:15, 14/09/2017

Sáng 14-9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị trực tuyến nhằm đưa ra các giải pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10.

Ảnh VGP/Nhật Bắc.


Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường; lãnh đạo các bộ, ngành, một số chuyên gia, cố vấn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA; 25 đầu cầu gồm 17 tỉnh thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà, các tỉnh miền núi phía Bắc. Tại nhiều địa phương, trực tiếp đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh dự họp.

Tại hội nghị, Bộ trưởng NN&PNTN Nguyễn Xuân Cường quán triệt tinh thần họp nhanh, báo cáo ngắn gọn để dành thời gian cho công tác chuẩn bị ứng phó.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đây là cơn bão rất mạnh kèm theo mưa lớn, từ hôm nay (14-9) đến hết ngày 16-9 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (100-300mm/đợt, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400mm; các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La 50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm).

Cấp độ rủi ro thiên tai bão vùng biển ven bờ khu vực Nghệ An đến Quảng Trị: cấp 4. Cấp độ rủi ro thiên tai bão vùng biển ven bờ các khu vực khác: cấp 3.

Về chỉ đạo ứng phó với bão số 10, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1369/CĐ-TTg ngày 13-9-2017 gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội và các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ yêu cầu triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 10 và mưa lũ.

Sáng 13-9, Bộ trưởng – Trưởng Ban Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo TWPCTT triển khai các biện pháp ứng phó bão số 10.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cũng đã ban hành Công điện số 62/CĐ-TW hồi 19h30 ngày 12-9-2017 gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định, các tỉnh Bắc Bộ và các bộ, ngành đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 10 và mưa lũ sau bão; tổ chức trực ban 24/24h, thường xuyên theo dõi diễn biến của bão; đôn đốc các địa phương ứng phó với bão và kiểm tra hệ thống đê sông, đê biển, an toàn hồ chứa; chuẩn bị xả lũ từ các hồ thủy điện; chỉ đạo các Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế triển khai các biện pháp ứng phó với bão.

Bên cạnh đó, các Bộ: Công An, Giao thông Vận tải, Y tế đã có công điện chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với bão.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo biên phòng tuyến biển phối hợp với các địa phương kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền. Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã có Công điện gửi các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó với bão.

Về phía địa phương, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ đã triển khai các biện pháp ứng phó với bão, mưa lũ; trong đó các tỉnh Thái Bình và Nghệ An đã thực hiện cấm biển từ sáng ngày 14-9-2017.

Tình hình tàu thuyền

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 06h00 ngày 14-9: Đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho: 69.547 tàu/287.359 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Trong đó: Số tàu thuyền còn hoạt động trong khu vực từ 13,0-19,0 độ Vĩ Bắc (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa): 4.679 tàu/27.864 lao động. Các phương tiện trên đều đã nắm bắt được thông tin về cơn bão số 10 và đang chủ động di chuyển, trú tránh; hoạt động ở khu vực biển khác: 7.344 tàu/45.434 lao động; neo đậu tại các bến: 57.524 tàu/214.061 lao động.

Theo báo cáo của Biên phòng tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa: hiện chưa liên lạc được với 4 tàu/38 lao động (Ninh Bình: 01 tàu/05 lao động ở khu vực phía Nam của tỉnh; Thanh Hóa: 3 tàu/33 lao động ở khu vực Vịnh Bắc Bộ).

Theo báo cáo của Biên phòng tỉnh Bình Định: Hồi 17h00 ngày 13-9-2017, gia đình chủ tàu BĐ 95164 TS/05 lao động do ông Nguyễn Thanh Đường (1979) làm thuyền trưởng đang di chuyển tránh bão số 10 đến khu vực cách đảo Linh Côn, quần đảo Hoàng Sa 06 hải lý về phía Đông Nam, thuyền trưởng đề nghị được trú tránh bão tại đảo Linh Côn (hiện nay chưa được vào tránh trú).

Để sẵn sàng ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do bão số 10 gây ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đề nghị các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Công điện số 1369/CĐ-TTg ngày 13-9-2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung thực hiện khẩn trương một số nội dung sau:

Thứ nhất, kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú; hướng dẫn, tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu để đảm bảo an toàn. Tùy theo tình hình cụ thể của địa phương, thực hiện cấm biển, kể cả các tàu vận tải và du lịch xong trước 07h00 ngày 15-9-2017.

Thứ hai, huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân tập trung thu hoạch các diện tích lúa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; chủ động tiêu gạn nước đệm để chống úng cho các diện tích lúa đang thời kỳ chắc hạt.

Thứ ba, chỉ đạo, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, bảo vệ trụ sở công trình, đặc biệt đối với công trình tháp cao; tổ chức chặt tỉa cành cây, hạn chế thiệt hại.

Thứ tư, tổ chức sơ tán người dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn tuyệt đối. Việc sơ tán dân hoàn thành trước 09 giờ ngày 15-9-2017.

Thứ năm, chỉ đạo, hướng dẫn bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai; bố trí sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ trọng điểm xung yếu về đê điều, hồ đập, sạt lở đất, lũ quét, ngập lũ để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra, đặc biệt đối với các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị.

Thứ sáu, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão và phổ biến các kỹ năng ứng phó với bão và mưa lũ để người dân, tổ chức chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại.

Thứ bảy, thành lập các đoàn công tác tiền phương để phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, trong đó tập trung vào các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị, một số trọng điểm mưa lũ lớn tại khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Theo Chính phủ