Ngắm 3 di sản triều Nguyễn được UNESCO công nhận
Văn hóa - Ngày đăng : 20:34, 15/09/2017
Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam do UNESCO công nhận. |
Hơn 70 tài liệu hình ảnh về Mộc bản, Châu bản, Thơ trên kiến trúc cung đình Huế cùng 16 phiên bản mộc bản được trưng bày tại Văn Miếu đã giúp cho công chúng và giới nghiên cứu có cái nhìn rõ nét hơn về chính trị, văn hóa, nghệ thuật thời Nguyễn. Trong 3 di sản, Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam do UNESCO công nhận.
Nói riêng về Mộc bản, đây là những bản khắc gỗ dùng để in sách chữ Hán, chữ Nôm với nhiều loại hình khác nhau như sách lịch sử, địa chí, văn chương… đặc biệt là những trang về lịch sử triều Nguyễn cũng như lịch sử Việt Nam.
Quốc hiệu qua từng thời kỳ của dân tộc là một trong những nội dung đặc sắc, nổi bật về giá trị lịch sử của Mộc bản. Quốc hiệu của dân tộc từ khởi thủy đến năm 1945, dân tộc ta trải qua chín lần thay đổi Quốc hiệu, từ Xích Quỷ, Văn Lang, Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Ngu, đến Việt Nam rồi Đại Nam đều được trưng bày tại Văn Miếu. Những mộc bản đã phản ánh khá đầy đủ các câu chuyện lịch sử qua mỗi trang tư liệu được điêu khắc trên gỗ. Đây là một di sản vừa truyền tải được tư liệu thông tin vừa có giá trị cao về nghệ thuật, bởi lẽ chúng đã thể hiện được nghệ thuật điêu khắc gỗ rất tinh xảo của người thợ thủ công xưa.
Châu bản được UNESCO công nhận ngày 14-5-2014. |
Di sản thứ 2 là Châu bản, Châu bản được UNESCO công nhận ngày 14-5-2014, là di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Châu bản triều Nguyễn là tập hợp toàn bộ các văn bản hành chính của triều Nguyễn từ khi vua Gia Long lên ngôi (1802) cho đến khi vua Bảo Đại thoái vị (1945). Châu bản triều Nguyễn bao gồm các tập tấu, sớ, phụng thượng dụ, chiếu, chỉ dụ, tư trình, bẩm, truyền, sai, phó, khiển... được đích thân vua ngự lãm hoặc ngự phê bằng mực màu son, truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội...
Các văn bản Châu bản liên Các văn bản Châu bản đều đã phản ánh khá sinh động, về những vấn đề trên, đặc biệt trong nội dung đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ đất nước.
Ngày 19/5/2016, di sản Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. |
Di sản thứ 3 được trưng bày là: Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, cũng là di sản tư liệu thứ ba của triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thế giới. So với Mộc bản là những tài liệu ván khắc âm bản dùng để in sách thì thơ văn chạm khắc trên các cấu kiện gỗ của kiến trúc cung đình Nguyễn là ván khắc dương bản, một tác phẩm chạm khắc hoàn chỉnh rất có giá trị, nhất là tính độc bản của nó. Di sản có giá trị rất độc đáo và không thể thay thế.
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế tạo ra sự ảnh hưởng lớn đến một giai đoạn phát triển lịch sử mỹ thuật kiến trúc trang trí của Việt Nam. Đây là một di sản tư liệu chân xác hàm chứa một nội dung giá trị được lưu giữ bằng những tác phẩm nghệ thuật vô giá: những bức tranh, những bức thư pháp được các nghệ nhân tài hoa chạm khảm trên một loại gỗ quý và bền như sắt thép (lim: thiết mộc) để trang hoàng làm tôn vinh giá trị của các công trình kiến trúc cung đình Huế.
Việc khắc chìm hay chạm nổi trên các ván gỗ, việc viết trên nền pháp lam hay đắp nề ngõa trên các ô hộc, việc chọn các lối thể hiện về kiểu chữ như chân, thảo, lệ, triện hay chia tách các ô thành các cụm câu hoặc đại tự... đều nói lên tính đa dạng về hình thức tồn tại của tư liệu. Đó cũng là tính độc đáo của thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.