Ứng dụng công nghệ cao, nâng an toàn đường sắt

Công nghệ - Ngày đăng : 06:12, 16/09/2017

(HNM) - Thời gian gần đây, hàng loạt vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra, trong đó có không ít vụ tàu bị trật bánh do lỗi từ phương tiện toa xe, đầu máy, cầu đường, thông tin tín hiệu... Để hạn chế các sự cố, tai nạn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, lắp đặt camera theo dõi hành trình nhằm nâng cao an toàn chạy tàu.


Cơ quan chức năng khắc phục hậu quả vụ tàu trật bánh ở Ga Yên Viên (Hà Nội) ngày 7-8-2017. Ảnh: Trần Thường



Nhiều sự cố xảy ra liên tiếp

Từ đầu năm 2017 đến nay, ngành Đường sắt liên tục xảy ra các sự cố tàu trật bánh, chẻ ghi, đổ tàu gây thiệt hại nghiêm trọng, khiến nhiều tuyến đường sắt bị ách tắc nhiều giờ. Đáng nói, nhiều vụ tai nạn xảy ra, ngoài lỗi chủ quan của chính các nhân viên ngành Đường sắt còn là sự bất cập của hệ thống hạ tầng đường sắt. Điển hình là 2 vụ tàu trật bánh xảy ra trong các ngày 6 và 7-8, liên quan đến tàu mang số hiệu SP2 tại Ga Yên Viên (Hà Nội), có nguyên nhân do công tác duy tu, sửa chữa đường sắt không bảo đảm thông số kỹ thuật và lái tàu vượt tốc độ quy định.

Sau đó, ngày 9-8, tàu hàng mang số hiệu 4832 bị trật bánh toa xe rỗng tại Ga Phú Diễn (Hà Nội) do chất lượng đường xấu. 9 ngày sau (ngày 18-8), tàu mang số hiệu 2436 bị chẻ ghi NI tại Ga Văn Phú (Yên Bái). Cũng tàu này, khi dồn cắt lấy xe tại Ga Văn Xá (Thừa Thiên - Huế) ngày 19-8 bị chẻ ghi NI do nhân viên tại ga không thực hiện đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tổ chức chạy tàu, lập tàu.

Tiếp đó, vào sáng ngày 3-9, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình, đã xảy ra vụ tai nạn tàu trật bánh nghiêm trọng. Tàu gặp nạn là SE3 Hà Nội - Sài Gòn khi qua khu gian Ngân Sơn - Thọ Lộc thì bị xe công trình húc vào đuôi tàu, khiến toa xe cuối cùng đổ xoay ngang, 2 toa xe giáp nối bị trật bánh, đổ nghiêng. Rất may, hàng trăm hành khách và nhân viên trên tàu an toàn, nhưng tuyến đường sắt Bắc - Nam đã bị ách tắc nhiều giờ.

Theo ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), các vụ tai nạn thời gian qua có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, phần lớn do tàu va phải các phương tiện đường bộ vượt ẩu qua đường ngang, dừng đỗ vi phạm khổ giới hạn đường sắt, hay các vật chướng ngại khác như: Đá hộc, đá tảng, gia súc chăn thả trên đường sắt… Về chủ quan, chủ yếu do ý thức, thao tác quy trình nghiệp vụ của nhân viên chưa chuẩn; chất lượng phương tiện đầu máy, toa xe hoặc chất lượng hạ tầng cầu, đường, thiết bị thông tin tín hiệu... bất cập.

Sẽ lắp camera giám sát

Ngay sau khi xảy ra các sự cố, ngành Đường sắt đã khẩn trương phân tích nguyên nhân để tìm giải pháp khắc phục. Cụ thể: Tại các khu vực xảy ra sự cố tàu trật bánh, chẻ ghi, ngành đã hạn chế tốc độ chạy tàu, thay thế mới ghi, sửa chữa, thay thế tà vẹt gỗ mục, phụ kiện cũ để bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, rà soát điều kiện bảo đảm an toàn kỹ thuật kết cấu hạ tầng đường sắt, đặc biệt là những đoạn tuyến có tần suất, lưu lượng vận tải lớn.

Nhằm hạn chế tình trạng phương tiện vượt đường ngang trái phép làm hư hỏng hệ thống thiết bị cảnh báo, qua đó kéo giảm tai nạn giao thông, ngành Đường sắt đang thí điểm lắp đặt camera giám sát tại các đường ngang có cảnh báo tự động. Với camera này, toàn bộ hoạt động tại đường ngang sẽ được ghi nhận. Trường hợp phương tiện giao thông gây hư hỏng thiết bị thông tin tín hiệu (như đâm hỏng cột đèn, cột thông tin, cần chắn...), đơn vị quản lý đường sắt sẽ lấy dữ liệu hình ảnh, biển số xe và thông báo cho công an truy tìm đối tượng vi phạm. Đa phần các vụ này khi có dữ liệu qua camera đều được xử lý kịp thời, đối tượng vi phạm tự nguyện khắc phục thiệt hại do mình gây ra.

Đại diện VNR cho biết, tới đây, VNR sẽ lắp đặt camera theo dõi hành trình chạy tàu trên đầu máy, giám sát hoạt động nghiệp vụ của ban lái máy từ điều khiển tốc độ, kéo còi, đến hô đáp giữa lái tàu và phụ lái để lưu ý khi sắp vào vị trí nguy hiểm như đường ngang, đường dân sinh… Camera đồng thời giám sát hoạt động của các thiết bị tín hiệu cũng như việc thực hiện quy trình quy phạm của nhân viên điều hành chạy tàu dọc đường, như: Trực ban ga, gác ghi, tuần đường, gác chắn... để có thể ngăn ngừa từ xa các vụ việc đáng tiếc.

Ngoài ra, theo Ban An ninh - An toàn giao thông đường sắt (VNR), Tổng công ty cũng đang lắp đặt thử nghiệm hệ thống xả gió dừng tàu khi trật bánh toa xe. Đây là thiết bị có khả năng tự động phát hiện hiện tượng trật bánh toa xe và tự động xả đường ống gió chính để hãm dừng đoàn tàu, tránh cho toa xe trật bánh tiếp tục kéo dài trên nền đường sắt.

Cũng theo ông Đoàn Duy Hoạch, để ngăn ngừa, giảm thiểu các tai nạn, sự cố chạy tàu do chủ quan, ngành Đường sắt đã quy định chặt chẽ các quy trình tác nghiệp. Từ đó, các đơn vị đều xây dựng quy tắc, quy trình cụ thể cho từng vị trí công việc, chức danh. Tất cả các chức danh tham gia vào hoạt động, điều hành chạy tàu, trực ban chạy tàu, gác ghi, gác chắn, tuần đường… phải thực hiện nghiêm. Định kỳ hằng năm, VNR và các đơn vị đều kiểm tra, sát hạch lý thuyết, tay nghề với các chức danh này.

Lương Ninh Giang