Kết nối du lịch Hà Nội - Hà Giang

Du lịch - Ngày đăng : 07:45, 16/09/2017

(HNM) - Hà Giang có thế mạnh đặc biệt về du lịch khi sở hữu hệ thống danh thắng, cảnh quan thiên nhiên mang vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ, nhiều di tích lịch sử gắn liền với những sự kiện trọng đại của đất nước và nền văn hóa đặc sắc của 19 dân tộc.


Cột cờ Lũng Cú, điểm đến hấp dẫn của du lịch Hà Giang. Ảnh: Minh Phụng


Điểm đến giàu tiềm năng

Nhắc đến Hà Giang không thể không nói đến những địa danh nổi tiếng như ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, bãi đá cổ Nấm Dẩn, cao nguyên đá Đồng Văn, dinh thự nhà Vương, cột cờ Lũng Cú… Nơi đây nhiều năm qua là địa điểm quen thuộc của những tín đồ du lịch “phượt”, những người muốn trải nghiệm cảm giác khám phá.

Gần đây, Hà Giang xác định du lịch là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cho biết, tỉnh đã đề ra nhiều nghị quyết và chương trình hành động để phát triển du lịch, mục tiêu là đến năm 2020 Hà Giang trở thành địa bàn trọng điểm du lịch của khu vực miền núi phía Bắc, đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn trở thành trung tâm du lịch quốc gia. Vì vậy, địa phương chú trọng đầu tư xây dựng các tour, tuyến nhằm thuyết phục du khách chọn Hà Giang là điểm đến.

Ngoài việc khai thác những điểm du lịch nổi tiếng kể trên, tỉnh đã xây dựng một loạt sản phẩm du lịch mới để giới thiệu với các công ty lữ hành, khách du lịch trong và ngoài nước. Tour “Mây nắng Chiêu Lầu Thi” đưa du khách đến điểm "săn mây" tuyệt đẹp mang tên Chiêu Lầu Thi thuộc xã Hồ Thầu (huyện Hoàng Su Phì), khám phá hệ động, thực vật phong phú như khỉ, gấu, nai, hoẵng hay những cây chè shan tuyết cổ thụ hàng trăm tuổi... Tour “Vượt thác Minh Tân” dành cho du khách ưa thể thao mạo hiểm, có hoạt động chèo kayak dọc suối dốc hay câu cá, picnic trong rừng… Cũng là tour du lịch mạo hiểm, nhưng “Trời xanh cao nguyên” đưa du khách trải nghiệm loại hình dù lượn trên cao nguyên đá Đồng Văn, ngắm nhìn cảnh sắc hùng vĩ của vùng đất này. “Lịch sử giữa lưng trời” là tour tìm hiểu văn hóa, lịch sử, kiến trúc tại các địa danh nổi tiếng của địa phương từ thời Pháp thuộc cho đến ngày nay.

Theo ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch thế hệ trẻ, Hà Giang còn nhiều tiềm năng du lịch, ví dụ như phát triển loại hình leo vách đá thể thao hoặc chèo thuyền kayak chinh phục thác ghềnh sông Nho Quế tại hẻm vực Tu Sản - cảnh quan kỳ vĩ nhất đèo Mã Pì Lèng. Hoặc điểm đến động Lùng Khúy với hệ thống nhũ đá lộng lẫy trên cao nguyên đá Đồng Văn đang được khai thác khá hiệu quả, cần được đầu tư về giao thông để tiện cho việc đón du khách…

Xúc tiến các hoạt động quảng bá tại Hà Nội

Hà Nội là điểm đến quan trọng của du khách trong nước và quốc tế, chưa kể người dân Thủ đô cũng có nhu cầu du lịch, khám phá những vùng đất mới như Hà Giang. Theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Hanoi Red Tours, Hà Giang chỉ cách Thủ đô hơn 300km, rất đáng để các doanh nghiệp khai thác tour, tuyến nối hai điểm đến này. Đặc điểm của tuyến du lịch Hà Giang là phong cảnh đặc sắc, văn hóa các dân tộc độc đáo cùng nghệ thuật ẩm thực hấp dẫn. Với đối tượng khách lớn tuổi, ngoài giá trị cảnh quan, văn hóa thì nhu cầu trở lại vùng đất ghi dấu những sự kiện lịch sử của đất nước là khá lớn. Một tour du lịch 4-5 ngày với hướng dẫn viên thuyết minh về từng điểm đến trên đường đi, bố trí điểm dừng chân có dấu ấn là phù hợp với nhu cầu của du khách - cả trong nước và quốc tế...

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Anh Dũng, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tích cực phối hợp cùng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang tổ chức các đoàn khảo sát tour du lịch từ Thủ đô lên Hà Giang. Sở Du lịch Hà Nội đang xúc tiến các hoạt động quảng bá vẻ đẹp tự nhiên, văn hóa đặc sắc của Hà Giang tới người dân Thủ đô và du khách tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thông qua các video, triển lãm, lễ hội văn hóa... Với khoảng 15.000 - 20.000 lượt người đến không gian đi bộ vào mỗi cuối tuần, địa điểm này khá hiệu quả để quảng bá du lịch.

Tuy nhiên, một số thành viên của Câu lạc bộ Du lịch cộng đồng (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) có góp ý về dịch vụ lưu trú và ẩm thực tại Hà Giang, nhất là vùng sâu, vùng xa vẫn chưa tốt, còn thiếu thốn và giá cả đắt đỏ. Vào những dịp cao điểm như mùa lễ hội hoa tam giác mạch, lượng khách đến Hà Giang khá đông và ngay cả các đơn vị lữ hành cũng không thể tìm nơi lưu trú cho khách của mình một cách dễ dàng. Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, cơ quan chức năng nên tạo điều kiện cho khách quốc tế có thể làm thủ tục đến tham quan Hà Giang ngay ở Hà Nội để tiết kiệm thời gian và có điều kiện tổ chức chuyến đi tốt nhất cho khách.

Về những vấn đề này, lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Tổng cục Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Du lịch Việt Nam đều khẳng định sẽ sớm có giải pháp cải thiện tình hình, tăng số lượng cơ sở lưu trú, đặc biệt là các buồng lưu trú chất lượng từ 3 sao trở lên; kêu gọi cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch đồng thời xây dựng quy chế, quy định quản lý du lịch theo hướng bền vững, thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch và du khách.

An Nhi