Hàn Quốc đối mặt với "bài toán" thất nghiệp
Thế giới - Ngày đăng : 08:07, 17/09/2017
Theo bản báo cáo vừa được nhà chức trách Hàn Quốc công bố ngày 13-9, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên từ 15 đến 29 tuổi tăng lên 9,4%, mức cao nhất kể từ tháng 8-1999 khi cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á tác động tới nền kinh tế Hàn Quốc. Trong khi đó, tăng trưởng việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm rưỡi qua, phản ánh điều kiện thị trường lao động khó khăn. Các ngành dịch vụ, trong đó có lĩnh vực du lịch bị tác động nặng nề nhất do lượng du khách Trung Quốc đến Hàn Quốc tiếp tục giảm. Khu vực tiêu dùng tư nhân vẫn chưa phục hồi hoàn toàn khiến các công ty tuyển dụng ít hơn. Con số việc làm trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản cũng giảm do chính phủ công bố một loạt biện pháp giám sát đầu cơ.
Giới quan sát chỉ ra rằng, nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp tại nước này liên tục gia tăng là do nền kinh tế đã phải chịu tác động của cuộc khủng hoảng liên quan tới bê bối tham nhũng và lạm dụng chức quyền của cựu Tổng thống Park Geun-hye trong một thời gian dài. Tình trạng thiếu vắng lãnh đạo để đưa ra những chính sách quan trọng buộc các doanh nghiệp phải hoãn kế hoạch đầu tư cho năm mới. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình tỏ ra lo ngại đối với vấn đề chi tiêu, làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế tính theo quý của Hàn Quốc có sự sụt giảm liên tục trong năm 2016. Bê bối chính trị còn kéo theo nhiều tập đoàn tên tuổi của Hàn Quốc - những cột trụ của nền kinh tế nước này - từ Samsung, Hyundai, LG, Lotte đến công ty vận tải đường biển Hanjin rơi vào khủng hoảng. Điều này cho thấy mô hình phát triển của kinh tế Hàn Quốc dựa trên sự cấu kết giữa Nhà nước và các đại tập đoàn như thời gian qua đang bộc lộ những khiếm khuyết và đòi hỏi Hàn Quốc phải tìm kiếm một mô hình phát triển mới cho tương lai.
Bên cạnh thực trạng nêu trên, một vấn đề khẩn cấp mà chính phủ Hàn Quốc phải sớm giải quyết là chính sách thương mại liên quan tới Trung Quốc và Mỹ - những đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Những hành động “trả đũa” của Trung Quốc liên quan đến việc Seoul cho triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã “giáng một đòn mạnh” vào kinh tế Hàn Quốc bởi thị trường Trung Quốc chiếm 25% các mặt hàng xuất khẩu của nước này.
Trước tình trạng thất nghiệp ngày càng có chiều hướng tiêu cực, ngay từ khi nhậm chức hồi đầu tháng 5 vừa qua, Tổng thống Moon Jae-in đã đặt ra những ưu tiên cho vấn đề việc làm. Cuối tháng 7, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua ngân sách bổ sung 11.200 tỷ won (10 tỷ USD) để cải thiện thị trường lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, những chính sách này chưa thật sự phát huy hiệu quả. Các nhà phân tích cho rằng, trong thời gian tới, Hàn Quốc cần nhiều hơn nữa những liệu pháp đủ mạnh để tái cơ cấu nền kinh tế, nhờ đó mới có thể tìm lại động lực cho tăng trưởng bền vững.