Đông hơn, trẻ hơn nhưng phải hiệu quả hơn

Thể thao - Ngày đăng : 06:44, 18/09/2017

(HNM) - Ngay sau SEA Games 29, Tổng cục Thể dục thể thao đã phải tính toán số vận động viên được đầu tư trọng điểm cho các mục tiêu quan trọng trước mắt là ASIAD 2018 và Olympic 2020. Định hướng chung sẽ là đông hơn, trẻ hơn và đương nhiên phải là hiệu quả hơn.

VĐV trẻ Lê Tú Chinh đã đoạt 3 Huy chương vàng tại SEA Games 29.


Việc áp dụng chế độ đầu tư cho các vận động viên (VĐV) trọng điểm quốc gia được thực hiện từ hai năm qua đã mang đến những hiệu quả rõ rệt. VĐV trong diện này có động lực, yên tâm tập luyện và thi đấu khi được hưởng chế độ tiền công, tiền ăn là 800.000 đồng/ngày. Mức hưởng này cao gấp đôi so với mức đang áp dụng cho các VĐV đội tuyển quốc gia khác nhưng được đánh giá là xứng đáng với tài năng, đóng góp của họ. Đây cũng là động lực để các VĐV khác quyết tâm hơn nhằm lọt vào danh sách VĐV trọng điểm, qua đó có mức thu nhập khá cao so với mặt bằng chung trong làng thể thao Việt Nam.

Tại SEA Games 29 vừa qua, ít nhất 60% tổng số Huy chương vàng của thể thao Việt Nam đến từ nhóm VĐV trọng điểm. Tất nhiên, cũng có không ít VĐV trọng điểm không thể giành Huy chương vàng ở kỳ Đại hội này, trong đó có cả xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, nhưng về lâu dài, họ vẫn là lựa chọn hàng đầu cho mục tiêu chinh phục huy chương tại ASIAD 2018 hay giành vé tham dự cũng như tranh chấp huy chương ở Olympic 2020.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) Trần Đức Phấn cho biết: "Tổng cục đang rà soát VĐV để đưa ra danh sách đầu tư trọng điểm trong năm 2018. Những người lớn tuổi của danh sách năm 2017, không còn khả năng tranh chấp huy chương ở ASIAD 2018 hay xa hơn sẽ được thay thế bằng các VĐV trẻ”.

Thông tin từ Tổng cục TDTT cho hay, sẽ có khoảng 90 - 100 VĐV được đầu tư trọng điểm trong năm 2018. Nếu điều này thành hiện thực, đây sẽ là số lượng VĐV được đầu tư trọng điểm đông nhất kể từ khi chế độ nêu trên được áp dụng.

Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục TDTT cũng thẳng thắn cho biết sẽ chỉ đưa những VĐV ưu tú nhất, có tiềm năng phát triển lên tầm châu lục cũng như thế giới vào danh sách, chứ không bằng mọi cách để gom VĐV cho đủ số lượng như dự kiến.

Ngoài ra, tất cả đều hiểu rằng, vào danh sách đầu tư trọng điểm cũng chỉ là một phần trong hành trình của VĐV để đến với những tấm huy chương ASIAD hay ít nhất cũng là tấm vé tham dự Olympic.

Trường hợp thất bại mới đây ở nội dung kiếm liễu tại SEA Games 29 của kiếm thủ Đỗ Thị Anh là ví dụ điển hình. Đỗ Thị Anh dù được đầu tư trọng điểm về tiền công, tiền ăn nhưng lại chưa được đầu tư trọng điểm về thi đấu, tập huấn quốc tế cũng như chuyên gia nước ngoài.

Thậm chí, kể cả khi tiền ăn của VĐV trọng điểm tăng đáng kể nhưng cách sử dụng số tiền để có khẩu phần ăn hợp lý, đáp ứng đúng và đủ nhu cầu dinh dưỡng của VĐV cũng không đơn giản. Làm sao để việc tăng tiền ăn, tiền công không đơn thuần chỉ là tăng cơ học, đấy là điều cần được tính toán kỹ để nâng cao hiệu quả đầu tư cho hoạt động ý nghĩa này.

Thùy An