Chính phủ đặt hàng đào tạo một số ngành văn hóa nghệ thuật đặc thù

Văn hóa - Ngày đăng : 06:53, 18/09/2017

(HNM) - Cần thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng đào tạo một số ngành, chuyên ngành văn hóa nghệ thuật đặc thù, nghệ thuật truyền thống, khó tuyển sinh, đang thiếu nhân lực.


Trước mắt, đồng ý chủ trương đặt hàng (ngân sách trung ương bảo đảm 100% kinh phí đào tạo) khoảng 300 chỉ tiêu như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo. Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực hiện Thông báo số 154/TB-VPCP ngày 23-3-2017 và đặt hàng đào tạo các ngành văn hóa nghệ thuật.

Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát các ngành, chuyên ngành và chỉ tiêu đào tạo, các cơ sở đào tạo; xây dựng đề án Đặt hàng đào tạo (hoặc giao nhiệm vụ đào tạo gắn với cấp kinh phí) các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về chính sách hỗ trợ, ưu đãi học sinh, sinh viên theo học các ngành văn hóa nghệ thuật, Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng quy định về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật khi thực hiện tác phẩm tốt nghiệp; các ngành nghệ thuật truyền thống, đặc thù, khó tuyển sinh; báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương thẩm định hồ sơ thành lập Học viện Múa Việt Nam với các điều kiện đặc thù về quỹ đất và đội ngũ giảng viên chuyên ngành, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định về chính sách, chế độ làm việc đặc thù, cần thiết đối với giảng viên, giáo viên các ngành văn hóa nghệ thuật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10-2017.

Phương Nguyên