Bí mật hành tinh đen "húp trọn" ánh sáng xung quanh

Công nghệ - Ngày đăng : 10:08, 19/09/2017

Các nhà thiên văn học NASA qua ống kính viễn vọng không gian Hubble đã phát hiện ra một hành tinh đen có khả năng “ăn” ánh sáng thay vì phản chiếu thông thường.

Ảnh minh họa.


Theo Đài phát thanh Sputnik, ngoại hành tinh này có tên gọi WASP-12b, nằm ở vị trí cách chòm sao Auriga (Ngự phu) 1.400 năm ánh sáng, lần đầu được phát hiện vào năm 2008.

Theo thông tin công bố trên trang web chính thức của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), hành tinh này thuộc lớp "sao Mộc nóng" - bao gồm các hành tinh có kích thước khổng lồ, thuộc thể khí có quỹ đạo rất gần với ngôi sao chủ thể và có nhiệt độ cực cao.

Nhiệt độ trong ngày trên hành tinh này có thể lên tới 2.537 độ C, khiến cho phần lớn các phân tử không thể sống sót được. Và khi phân tử không có, đồng nghĩa với việc không tạo ra đám mây, ánh sáng chiếu tới hành tinh sẽ không được phản chiếu lại vào không gian, mà thay vào đó xuyên qua bầu khí quyển hành tinh, chuyển hóa thành sức nóng.

Theo Taylor Bell - trưởng nghiên cứu về các hành tinh lớp "sao Mộc nóng" thuộc Đại học McGill và Viện nghiên cứu các hành tinh ngoài vũ trụ ở Montreal (Canada), các nhà nghiên cứu không hi vọng tìm được một ngoại hành tinh đen mà có thể phản chiếu được 40% ánh sáng.

Ông Bell nhận xét: “Nghiên cứu Hubble này chứng minh có sự đa dạng rất lớn trong các hành tinh 'sao Mộc nóng'. Bạn có thể có hành tinh như WASP-12b nóng tới hơn 2.000 độ C, một số hành tinh khác chỉ có độ nóng bằng một nửa, nhưng tất cả đều được gọi là 'sao Mộc nóng'. Các lần quan sát trước đã chứng minh được sự khác biệt trong nhiệt độ ban ngày và ban đêm trên hành tinh đang tăng dần với nhiệt độ ban ngày nóng hơn”.

Theo Báo Tin tức