Xử lý nước thải trong các cụm công nghiệp: Còn nhiều bất cập

Đời sống - Ngày đăng : 07:19, 19/09/2017

(HNM) - TP Hà Nội có 89 cụm công nghiệp, nhưng chỉ 21 cụm được đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung.

Ban Đô thị Hội đồng nhân dân TP Hà Nội khảo sát hệ thống xử lý nước thải tập trung tại cụm công nghiệp Nguyên Khê, huyện Đông Anh.


Vẫn còn cơ sở xả thải trực tiếp ra môi trường

Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 8-3-2016 của HĐND TP Hà Nội đã giao chỉ tiêu kế hoạch: “Đến năm 2020, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc quy chuẩn quốc gia tương ứng 100%”. Thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố, thời gian qua, UBND thành phố đã tích cực triển khai các quy định của pháp luật về hoạt động thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp; tiếp tục đầu tư, hoàn thiện xây dựng đồng bộ 21 trạm xử lý nước thải tập trung theo quy hoạch. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát, đến nay mới có 12/21 trạm xử lý nước thải hoạt động ổn định, 7 trạm hoạt động không bảo đảm công suất, 2 trạm không hoạt động (Duyên Thái, huyện Thường Tín và Tân Triều, huyện Thanh Trì) do máy móc hư hỏng, xuống cấp.

Đại biểu chuyên trách Ban Đô thị HĐND thành phố Hoàng Thúy Hằng cho biết, trên địa bàn thành phố hiện còn 68 cụm công nghiệp (thực chất là các điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề) quy mô nhỏ. Nhiều cụm nằm xen kẽ hoặc gần khu dân cư nhưng không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, dẫn đến tình trạng nước thải không được xử lý, xả thải trực tiếp ra môi trường, nguy cơ gây ô nhiễm rất lớn.

Huyện Đông Anh có 3 cụm công nghiệp, nhưng mới có cụm công nghiệp Nguyên Khê với quy mô hơn 77ha có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Cụm công nghiệp Đông Anh quy mô hơn 18ha vẫn chưa được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Còn cụm công nghiệp Liên Hà đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nên các cơ sở sản xuất vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường. Huyện Đan Phượng có 7 cụm công nghiệp, nhưng cũng chỉ có cụm công nghiệp thị trấn Phùng được đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung. Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho hay: “Phần lớn các cụm công nghiệp không đầu tư hệ thống xử lý nước thải trên cơ sở tính toán khối lượng nước thải thực tế. Đơn cử như, cụm công nghiệp Liên Trung, Liên Hà chủ yếu sản xuất đồ mộc, nước thải không nhiều nên không đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung”.

Triển khai các giải pháp khắc phục

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân cho biết, nguyên nhân khách quan dẫn tới thực trạng trên là nhiều cụm công nghiệp được hình thành từ các điểm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trước khi có Luật Bảo vệ môi trường; công tác giải phóng mặt bằng ở một số cụm gặp nhiều khó khăn; một số cá nhân, doanh nghiệp cố tình vi phạm. Nguyên nhân chủ quan là cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, dẫn đến thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành. Bên cạnh đó, công tác điều tra, khảo sát, tính toán lưu lượng xả thải trong việc thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải giữa các sở và UBND quận, huyện, có nơi chưa hiệu quả.

Để khắc phục tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường, các thành viên Ban Đô thị HĐND thành phố cho rằng, Sở Công Thương cần sớm hoàn thiện trình UBND thành phố phê duyệt “Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030” làm cơ sở cho các địa phương tổ chức đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Cùng với rà soát, đánh giá hiện trạng các trạm xử lý nước thải hoạt động ổn định, Sở Xây dựng cần đôn đốc chủ đầu tư các dự án đã được phê duyệt đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào hoạt động.

Phó Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Vũ Ngọc Anh cho rằng, công tác thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động thu gom và xử lý nước thải cũng cần sát sao, quyết liệt hơn, bởi từ năm 2014 đến nay, các lực lượng chức năng mới triển khai việc này tại 14/89 cụm công nghiệp. Ngoài ra, các sở cần sớm tham mưu cho UBND thành phố yêu cầu chủ đầu tư các cụm công nghiệp lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, tránh để doanh nghiệp tự kê khai thấp hơn mức thực tế xả thải.

Đối với các cụm công nghiệp có quy mô nhỏ chưa có trạm xử lý nước thải tập trung, Ban Đô thị HĐND thành phố đề nghị các quận, huyện, thị xã, trước mắt yêu cầu chủ cơ sở sản xuất phải có hệ thống thu gom, xử lý sơ bộ trước khi xả ra môi trường. Đồng thời, các địa phương chỉ tiếp nhận doanh nghiệp mới có công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường vào đầu tư sản xuất tại các cụm công nghiệp.

Việt Tuấn