Thị trường vàng “thức giấc”

Tài chính - Ngày đăng : 07:27, 19/09/2017

(HNM) - Sau thời kỳ “ngủ yên”, gần đây giá vàng đã

Các nhà đầu tư nên thận trọng khi tham gia thị trường vàng để tránh rủi ro. Ảnh: Bảo Hân


Thước đo "sức khỏe" nền kinh tế

Từng được coi là “hầm trú ẩn”, kênh đầu tư số 1, vàng là một trong những lựa chọn yên tâm nhất với giới đầu tư trong “cơn bão” khủng hoảng tài chính, hay khi tình hình kinh tế có những dấu hiệu bấp bênh. Không chỉ với riêng nhà đầu tư trong nước, sự vồ vập còn diễn ra với đa số nhà đầu tư nước ngoài. Khi thị trường chứng khoán giảm sâu, hay khi đồng USD mất giá, kênh đầu tư duy nhất được tôn vinh là vàng. Cũng bởi thế, dù không chính thức, nhưng vàng cũng là một bức tranh phản ánh sức khỏe của nền kinh tế thế giới, vì khi nhìn thấy biến động của giá vàng, người ta có thể thấy đường đi của cả những kênh đầu tư khác.

Cứ mỗi khi “cơn bão” khủng hoảng đi qua, hàng tỷ USD bị “bốc hơi” trên sàn chứng khoán, là lúc vàng có cơ hội “leo thang”. Bất cứ khi nào có những thông tin bất ổn về chính trị hay kinh tế, vàng lại có cơ hội tăng giá. Khi vàng được giới đầu tư nước ngoài lựa chọn, nhà đầu tư trong nước cũng không thể ngồi yên. Tuy nhiên, nhà đầu tư trong nước đôi khi còn bị tác động bởi tin đồn, nên có những thời điểm đặt niềm tin thái quá vào vàng. Mua vàng bằng mọi giá, xếp hàng dài chỉ để sở hữu vàng, giới đầu tư đã tự đẩy vàng lên một vị thế quá cao so với giá trị thực của nó. Cơ quan chức năng đã từng phải dùng nhiều biện pháp để xử lý thị trường vàng, trong đó giải pháp mạnh nhất là chỉ chọn một thương hiệu vàng là thương hiệu quốc gia, tổ chức các phiên đấu thầu vàng... Nhờ đó, tâm lý quá kỳ vọng vào vàng đã dần bị xóa bỏ, nền kinh tế không còn bị “vàng hóa” hay “đô la hóa”...

Không còn đi ngang...

Sau một thời gian hầu như không có biến động, giá vàng đã có những ngày tăng, giảm thất thường. Nếu như những ngày đầu tháng 9, giá vàng tăng mạnh, thì đến giữa tháng, giá vàng lại giảm sâu. Đặc biệt, trong mấy ngày gần đây, giá vàng liên tục “rơi”.

Trên thị trường Hà Nội, tại Công ty Doji, giá vàng niêm yết phổ biến ở mức 36,56 triệu đồng/ lượng (mua vào) - 36,66 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 80.000 đồng/lượng so với trước đó. Còn ở TP Hồ Chí Minh, giá vàng SJC cũng được giao dịch phổ biến ở mức 36,5 triệu đồng/lượng (mua vào) - 36,7 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 80.000 đồng/lượng. Theo đại diện của Công ty Doji, giá vàng trong nước “chùng” xuống do tác động sụt giảm mạnh từ giá vàng thế giới khi đồng USD hồi phục và nhu cầu mua vàng phòng ngừa rủi ro giảm. Việc giá vàng giảm tác động không nhỏ tới tâm lý, khiến nhiều nhà đầu tư lớn bán vàng ra vì lo ngại giá vàng tiếp tục giảm ở những phiên tiếp theo. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn mua tích trữ.

Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay chỉ còn 1.320 USD/ounce, giảm 13 USD/ounce. Nếu quy đổi giá vàng thế giới ra VND theo tỷ giá của Vietcombank, giá vàng trong nước cao hơn thế giới chưa đến 1 triệu đồng/lượng, chưa tính các loại thuế, phí... Đây là mức hợp lý so với chênh lệch 2-3 triệu đồng, thậm chí là 5-6 triệu đồng trước đây. Giá vàng thế giới giảm sâu khi chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh, sự tăng giá của đồng USD và nhà đầu tư đẩy bán ra để chốt lời, cũng như lo ngại về bất ổn chính trị không còn. Vàng thường diễn biến ngược chiều với thị trường chứng khoán và đồng USD, nên khi 2 kênh đầu tư này hồi phục, vàng cũng không còn cơ hội tăng giá.

Trước khi giảm điểm mạnh như gần đây, giá vàng đã tăng cao, chinh phục lại ngưỡng 37 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC ở thời điểm đầu tháng 9 đã được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 36,8 triệu đồng/lượng (mua vào) - 37 triệu đồng/lượng (bán ra). Mức giá này cũng được áp dụng ở Công ty Doji hay PNJ. Như vậy, sau nhiều lần chinh phục không thành công mốc 37 triệu đồng/lượng, giá vàng đã trở lại ngưỡng này.

Sự tăng, giảm thất thường của giá vàng mang lại cho giới đầu tư niềm tin về khả năng thu lời khi “lướt sóng” với vàng. Tuy nhiên, vàng không phải là kênh đầu tư dễ đoán, nếu chọn không đúng thời điểm, nhà đầu tư rất dễ gặp rủi ro.

Hà Linh