Cần một cách nhìn khoa học!

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:03, 20/09/2017

(HNM) - Tăng lương luôn là chủ đề gây hứng khởi cho người lao động. Tuy nhiên, ở góc nhìn của các chuyên gia trong lĩnh vực này thì tăng lương tối thiểu chưa phải là giải pháp cốt lõi để bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu cũng như thực sự nâng cao thu nhập, bảo đảm chất lượng sống cho người lao động.

Nói cách khác, bản chất của tăng lương tối thiểu phải được hiểu một cách khoa học hơn là một động tác cơ học, và đích đến cuối cùng là tăng chất lượng sống một cách bền vững, thúc đẩy lao động sản xuất theo hướng năng suất cao. Là một nội dung của kinh tế học, một trong những nguyên tắc có tính quy luật của hoạt động tổ chức tiền lương là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân phải tăng nhanh hơn tốc độ tăng tiền lương bình quân. Đây là yếu tố bảo đảm quan hệ hài hòa giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài.

Tuy nhiên, thực tế ở nước ta, tốc độ tăng bình quân của tiền lương đang vượt tốc độ tăng năng suất lao động. Ví như, từ năm 2004 đến năm 2015, năng suất lao động chỉ tăng trung bình 4,4%/năm, trong khi mức lương tăng trung bình 5,8%/năm… Năng suất lao động tăng không đáng kể, tích lũy kém, đơn vị kinh doanh sẽ phải tính cách thay thế người lao động bằng máy móc hoặc tăng lương đối phó… Ngược lại, chất lượng lao động tốt, năng suất cao, doanh thu cao, trả lương cao, không chỉ là thành công mà còn là niềm tự hào của bản thân đơn vị sử dụng lao động.

Rõ ràng, sẽ là một dạng lạm phát nếu chỉ lo tăng lương cơ bản mà không cải thiện năng suất lao động.

Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 3-6-2017, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng đã chỉ rõ: “Đẩy mạnh cải cách chế độ tiền lương, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng năng suất lao động và tăng tiền lương, lấy tăng năng suất lao động làm cơ sở để tăng tiền lương…”.

Để tăng năng suất lao động thì phải có những chính sách tác động trực tiếp vào người lao động. Cụ thể, các nghiên cứu, dự báo về nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động; các chính sách nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm cơ cấu đào tạo… cần được đầu tư nhiều hơn như một giải pháp nền tảng. Bên cạnh đó, các công cụ đánh giá chất lượng nhân lực cũng thực sự cần được quan tâm và triển khai rộng rãi trong các đơn vị có sử dụng người lao động. Đánh giá nhân lực tốt, sử dụng nhân lực hiệu quả là một trong những giải pháp nhằm tăng sức cạnh tranh mà nhiều đơn vị kinh doanh đang áp dụng mạnh mẽ hiện nay.

Các chuyên gia còn chỉ rõ, cần có nghiên cứu, xác định lương tối thiểu phù hợp với sự tăng tốc độ của năng suất lao động. Và đúng như Nghị quyết số 11-NQ/TƯ chỉ ra, thì phải “tiếp tục hoàn thiện chính sách tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động; hình thành cơ chế tiền lương theo nguyên tắc thị trường; bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động. Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn ở doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động”.

Cùng với những giải pháp trên, một điều khác không kém phần quan trọng là bản thân người lao động cũng không thể nằm ngoài quá trình tự học tập, hoàn thiện mình để nâng cao năng suất lao động, tăng mức thu nhập cho bản thân và thúc đẩy quá trình tăng lương bền vững.

Vượt qua được nhận định cảm tính về tiền lương tối thiểu, xem xét bản chất vấn đề tăng lương, từ đó thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động, giải quyết hài hòa bài toán lao động - tiền lương... rõ ràng đó là những đòi hỏi một cách nhìn, cách tính toán thực sự khoa học, phù hợp với quy luật.

Hà An