Tăng liên kết để nâng sức cạnh tranh

Kinh tế - Ngày đăng : 07:27, 20/09/2017

(HNM) - Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, năng lực sản xuất, liên kết sâu rộng… là những yếu tố quan trọng để ngành da giày Việt Nam tăng sức cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước cũng như vươn ra thế giới.

Ngành da giày Việt Nam ngày càng có uy tín trên thị trường trong nước và thế giới. Ảnh: Linh Ngọc


Phấn đấu nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 80%

Theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành da giày, đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt mức trên 23 tỷ USD. Cùng với việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nội địa hóa của ngành da giày sẽ được nâng lên mức 75% - 80% so với 50% - 55% như hiện nay.

Để thực hiện mục tiêu, ngành da giày sẽ xây dựng một số khu, cụm công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu và xử lý môi trường tập trung, nhằm giải quyết những khó khăn về xử lý môi trường cho ngành thuộc da. Đồng thời, xây dựng một số cụm chuyên sản xuất vật liệu để kêu gọi nhà đầu tư. Ngoài ra, ngành da giày cũng sẽ được xây dựng mới và phát triển các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm xúc tiến thương mại, trung tâm thời trang…

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết, da giày là một trong những ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn, nhiều năm liền duy trì mức tăng trưởng ổn định ở mức 15 - 18%. Đáng chú ý, ngành da giày Việt Nam đã tham gia vào chuỗi cung ứng cho các thương hiệu lớn như Adidas, Nike… và được đánh giá là có lợi thế hơn nhiều nước khác trong khu vực nhờ lực lượng lao động trẻ. Bên cạnh đó, việc Việt Nam tích cực tham gia hội nhập với thế giới khi ký hàng loạt hiệp định thương mại cũng là thuận lợi lớn cho doanh nghiệp khi đầu tư vào da giày tại Việt Nam.

Công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế

Mặc dù có nhiều cơ hội thuận lợi, tuy nhiên các doanh nghiệp ngành da giày vẫn đang phải chịu áp lực lớn khi phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Hầu hết các nguyên liệu chính để sản xuất giày da đều phải nhập khẩu như da thuộc, giả da. Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, điểm yếu của ngành da giày là thiếu năng lực quản trị, nguồn lực chất lượng cao, năng suất lao động chỉ bằng 65% - 70% so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, nguyên vật liệu “đầu vào” hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 50%, trong khi tham gia các hiệp định thương mại đòi hỏi phải đáp ứng trên 55%.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước khó đáp ứng được yêu cầu này do khó tiếp cận các chuỗi cung ứng vì sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế. Bên cạnh đó, các cơ sở gia công da giày còn phải đối mặt với chi phí sản xuất ngày càng cao. Do vậy, khả năng đáp ứng được quy định của các hiệp định thương mại tự do như tiêu chuẩn lao động, môi trường, nguyên tắc xuất xứ là những thách thức không nhỏ.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết, việc thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam để tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm da, giày là rất quan trọng. Cùng với đó phải phát triển thị trường trong nước theo hướng xây dựng hệ thống phân phối hiện đại và tập trung để nâng cao năng lực cạnh tranh. Để “gọi” được các doanh nghiệp đầu tư, Nhà nước cần cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo các chương trình hay gói hỗ trợ thiết thực như ưu đãi về tín dụng, thuế, về thuê đất để mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới về công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh...

Ông Nguyễn Đức Thuấn kiến nghị, Bộ Công Thương cần điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành da giày theo hướng phát triển sản xuất nguyên phụ liệu để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, giảm tỷ lệ gia công xuất khẩu và có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất. Đặc biệt, phải có giải pháp quyết liệt để hạn chế hàng nhái, hàng không bảo đảm chất lượng nhập khẩu tiểu ngạch.

Để tận dụng được cơ hội, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nhận định, ngành da giày cần chủ động nguồn nguyên liệu minh bạch để được hưởng các quy định về xuất xứ, nâng cao tự động hóa và tạo ra các sản phẩm đặc thù của Việt Nam, nâng cao chất lượng nhân công, đáp ứng các điều kiện về môi trường lao động. Bên cạnh đó, để nâng cao sức cạnh tranh, các doanh nghiệp phải tăng cường liên kết sâu rộng giữa nhà sản xuất giày dép với nhà sản xuất nguyên phụ liệu, cũng như có sự gắn kết giữa các nhà máy sản xuất cùng loại sản phẩm.

Rõ ràng, việc tăng cường liên kết không chỉ giúp ngành da giày Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh tại thị trường nội địa, mà còn khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.

Thanh Hiền