Đồng thuận vì mục tiêu lớn
Đời sống - Ngày đăng : 06:12, 21/09/2017
Các đơn vị thi công cắt tỉa cành, đánh chuyển cây trên tuyến phố Kim Mã. |
Những ngày này, trên tuyến phố Kim Mã, đoạn từ Công viên Thủ Lệ đến phố Vạn Bảo, công nhân của Công ty Tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành (nhà thầu di chuyển cây xanh) đã bắt đầu cắm biển báo, cắt tỉa cành của hàng cây bên đường, chuẩn bị đánh chuyển, phục vụ thi công gói thầu CP03 thuộc Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Theo lãnh đạo Công ty, trong những ngày đầu, đơn vị sẽ tập trung cắt tỉa cành cây lớn, sau đó đào xung quanh gốc, bó gốc... Khi chuẩn bị xong mặt bằng địa điểm mới (đã được thống nhất trước đó), Công ty sẽ tổ chức di chuyển.
Theo giấy phép cắt, tỉa, di chuyển cây xanh của Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty Tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành có nhiệm vụ đánh chuyển, chặt hạ 130 cây xanh trên đường Kim Mã, đoạn từ hồ Thủ Lệ đến nút giao Núi Trúc - Kim Mã. Trong số này có 35 cây sẽ phải chặt hạ do bị mục, không có khả năng sinh trưởng, không đúng chủng loại cây đô thị, cây bị cong nghiêng. Còn lại 95 cây, gồm cả cây xà cừ gần nút giao Núi Trúc với đường kính từ 60 đến 90cm, được đánh chuyển và trồng tại nút giao Vĩnh Ngọc trên Đại lộ Võ Nguyên Giáp (Đông Anh).
Ông Hoàng Cao Linh, Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành cho biết, để việc đánh chuyển cây bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, cây có thể phục hồi, sinh trưởng, doanh nghiệp thực hiện kết hợp hai biện pháp là thi công cơ giới và lao động thủ công. Dự kiến, việc di chuyển cây sẽ thực hiện trong vòng 30 ngày.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo về chủ trương di dời cây xanh trên đường Kim Mã để phục vụ Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, chính quyền địa phương đã phổ biến tới các tổ dân phố, cụm dân cư, để người dân biết và chia sẻ với thành phố.
"Tâm tư thì có nhiều, nhưng đa phần người dân đều đồng thuận và mong muốn việc thi công diễn ra nhanh gọn, bảo đảm các biện pháp kỹ thuật, an toàn. Ngày 12-9, khi đơn vị thi công triển khai công việc, chúng tôi đã họp tại trụ sở UBND phường và thống nhất chuyển những kiến nghị của người dân tới đơn vị thực hiện" - ông Nguyễn Minh Tú nói.
Còn bà Ninh Thị Vát, Trưởng ban Công tác Mặt trận địa bàn dân cư số 6, phường Ngọc Khánh tâm sự: "Tôi sinh sống tại khu phố này từ năm 1978, gắn bó nhiều với hàng cây. Đợt trước, khi đánh chuyển hàng cây giáp Công viên Thủ Lệ, chúng tôi cũng xao xuyến lắm. Những ngày tháng 7 khi nắng như đổ lửa, lại càng nhớ đến màu xanh của hàng cây khi tỏa bóng mát che cả con đường, nhưng qua các phương tiện truyền thông, biết được hàng cây cũ sau khi đánh chuyển đã sống xanh tốt bên vườn ươm Đa Tốn, Gia Lâm và sẽ được trồng lại trong các công viên của thành phố thì chúng tôi yên tâm".
Cũng theo bà Vát, tuyến đường Kim Mã ngày một chật chội, nhất là giờ tan tầm, đường tắc kéo dài, phương tiện di chuyển rất vất vả. Vì thế, ai cũng hiểu và đồng thuận với chủ trương xây dựng tuyến đường sắt đô thị của thành phố nhằm giảm ùn tắc giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại.
Trước đó, vào tháng 10-2016, cũng để phục vụ thi công Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, 109 cây cổ thụ trên đường Kim Mã (đoạn từ đền Voi Phục đến số nhà 575 đường Kim Mã) đã được di chuyển và chặt hạ. Phần lớn cây xanh được di chuyển ở đoạn đường này là xà cừ, có cây đường kính hơn 1m. Đến nay, ngoại trừ 7 cây chết do quá trình di chuyển và thời tiết khắc nghiệt, còn lại đều đang phục hồi và phát triển nhanh tại vườn ươm Đa Tốn, chờ ngày trồng lại trong các công viên của thành phố.