Chuyển biến tích cực trong ứng xử công vụ

Đời sống - Ngày đăng : 07:05, 21/09/2017

(HNM) - “Kỷ cương - trách nhiệm - nhiệt tình - thân thiện” là những điều mà nhiều người dân Thủ đô cảm nhận được khi tiếp xúc với cán bộ, công chức ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính (bộ phận “một cửa”). Chuyển biến tích cực trong ứng xử công vụ là kết quả từ sự chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan, đơn vị thông qua thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội.


Làm xong thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể tại bộ phận “một cửa” của UBND huyện Gia Lâm, bà Lâm Thị Nguyên (xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm) cho biết: “Tôi làm thủ tục lần đầu chưa quen nên kê khai không đúng, nhưng được cán bộ hướng dẫn rất tận tình, chu đáo. Đúng ngày ghi trên phiếu hẹn, tôi lấy được kết quả”.

Những lời cảm ơn, khen ngợi về sự nhiệt tình, cởi mở, trách nhiệm của công chức cũng xuất hiện khá nhiều trong sổ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị ở bộ phận “một cửa” của UBND các quận: Hai Bà Trưng, Long Biên, Hà Đông, Hoàn Kiếm... Đây là tín hiệu tốt về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Quyết tâm cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, ngày 25-1-2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 522/QĐ-UBND về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội. Tiếp đó, ngày 20-3-2017, UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành Kế hoạch 69/KH-UBND về siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức TP Hà Nội. Trong đó, các cơ quan, đơn vị phải quán triệt và niêm yết 10 nội dung, yêu cầu.

Giờ đây, đến bất kỳ bộ phận “một cửa” nào thuộc các cơ quan trên địa bàn TP Hà Nội, tổ chức và công dân sẽ thấy bảng niêm yết 10 nội dung, yêu cầu. Cụ thể: Khách đến, được chào hỏi; Khách ở, luôn tươi cười; Khách hỏi, được tư vấn; Khách yêu cầu, phải tận tâm; Khách cần, được thông báo; Khách vội, giải quyết nhanh; Khách chờ, được xin lỗi; Khách phàn nàn, phải lắng nghe; Khách nhờ, luôn chu đáo; Khách về, được hài lòng.

Điều đáng nói, 10 nội dung, yêu cầu được các cán bộ, công chức quyết tâm chuyển hóa thành hiện thực chứ không chỉ là khẩu hiệu. Chị Đoàn Thị Minh Hạnh, công chức bộ phận “một cửa” UBND huyện Gia Lâm cho biết: “10 nội dung thực sự là những điều cán bộ, công chức cần làm và khi được công khai tại nơi làm việc, khiến mình luôn có ý thức phải thực hiện đúng”.

Quá trình thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội, nhiều đơn vị đã có cách làm hết sức sáng tạo. Chẳng hạn, để củng cố chất lượng, nâng cao uy tín của bộ máy chính quyền, UBND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) ngoài việc niêm yết số điện thoại đường dây nóng của UBND thành phố, quận và phường, còn niêm yết công khai tại bộ phận “một cửa” họ tên, số điện thoại di động, địa chỉ email của Chủ tịch và hai Phó Chủ tịch UBND phường. Việc làm này giúp người dân dễ dàng phản ánh các vấn đề bức xúc, còn cán bộ phường sớm nắm được thông tin để giải quyết kịp thời.

Đến thời điểm này, nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện việc khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người dân đến giao dịch tại bộ phận “một cửa”. Kết quả cho thấy, mức độ hài lòng của người dân khá cao. Điều này chính là sự khích lệ các đơn vị và từng cán bộ, công chức tiếp tục nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân tốt hơn.

Phong Thu