Bế mạc Phiên họp thứ 14 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV
Chính trị - Ngày đăng : 15:59, 21/09/2017
Chủ tịch Quốc Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) |
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình Phiên họp lần thứ 14 để tập trung cho ý kiến về các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư và công tác chuẩn bị kỳ họp; đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét một số vấn đề quan trọng khác.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, nhìn chung công tác chuẩn bị nội dung cho Phiên họp lần này tiếp tục có sự tiến bộ, thể hiện tinh thần tích cực, khẩn trương của các cơ quan hữu quan.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan đã đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng vào các nội dung trình ra.
Tùy thuộc vào nội dung cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định ban hành nghị quyết hoặc kết luận đối với từng nội dung của phiên họp.
Nhấn mạnh Phiên họp có bốn kết luận, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan tổ chức hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh hồ sơ các dự án luật, các báo cáo để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư.
Riêng đối với Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất chưa trình ra Quốc hội tại kỳ họp sắp tới để Chính phủ tiếp tục hoàn chỉnh.
Về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ tư của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp rà soát tích cực, chuẩn bị các nội dung thuộc trách nhiệm của mình để đảm bảo tiến độ, chất lượng, gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội đúng thời hạn quy định, đồng thời chú trọng chuẩn bị các văn bản tóm tắt để trình bày trước kỳ họp (mỗi báo cáo không quá 15 phút, trừ báo cáo về kinh tế-xã hội, báo cáo thẩm tra về kinh tế-xã hội).
Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến tại Phiên họp này để hoàn chỉnh dự kiến chương trình kỳ họp gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội và tiếp tục phối hợp để đôn đốc chuẩn bị nội dung và các điều kiện cho kỳ họp sắp tới báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 15 vào tháng 10.
Về dự thảo Nghị định quy định về quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại và các nội dung liên quan đến các hiệp định, các công ước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ phối hợp với Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội để hoàn chỉnh và ban hành nghị định, thực hiện đúng các thủ tục ký kết đối với các hiệp định, công ước đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Về Chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh báo cáo giám sát, dự thảo nghị quyết xin ý kiến thành viên các Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị thường trực các Ủy ban của Quốc hội gửi thông báo kết luận về nội dung thuộc lĩnh vực mình phụ trách đến Tổng Thư ký Quốc hội chậm nhất là 1 ngày sau khi bế mạc phiên họp này, tổng hợp thành báo cáo, thông báo kết luận chung của phiên họp để gửi xin ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự kiến Phiên họp thứ 15 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong ba ngày (từ ngày 11 đến 13-10), xem xét nhiều nội dung quan trọng trước Kỳ họp thứ tư của Quốc hội.
Phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh
Trước đó, sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.”
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản bày tỏ đồng tình với Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016; cho rằng việc kết hợp chặt chẽ, hiệu quả khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, bảo đảm trật tự, an toàn trên biển...
Cùng với đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh nhiều lúc chưa được thực sự coi trọng, chưa được tiến hành thường xuyên.
Nhiều hoạt động nuôi nuôi trồng, chế biến thủy hải sản còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu đồng bộ. Các chính sách về tín dụng cho phát triển kinh tế biển vẫn còn có những hạn chế, bất cập. Có lúc, có nơi coi trọng đến phát triển kinh tế biển mà chưa dành sự quan tâm đúng mức đến công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh...
Tại phiên họp, một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục tăng cường, đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong các hoạt động kinh tế biển kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Nhấn mạnh ngư dân có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị Nhà nước cần tiếp tục có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện tốt hơn cho ngư dân thúc đẩy phát triển kinh tế biển, ra khơi bám biển.
Ông Nguyễn Văn Giàu cũng đề nghị cần quan tâm, xử lý nghiêm những hành vi gây phương hại, thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và ngư dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện, chỉ đạo thực hiện đồng bộ chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản và kiểm soát chặt chẽ môi trường biển; tập trung nâng cao năng lực khai thác và đánh bắt xa bờ hiệu quả, bền vững; xây dựng các trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường trọng điểm kết hợp với xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, liên kết chặt chẽ giữa biển, hải đảo với đất liền.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa việc nắm tình hình kiểm tra, kiểm soát các hoạt động trên biển; tăng cường các biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản của ngư dân trên biển...
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Báo cáo cần có các kiến nghị cụ thể hơn về yêu cầu bức thiết xây dựng các chế tài đủ mạnh trong xử lý các hành vi đánh bắt thủy sản theo kiểu hủy diệt môi trường và nguồn lợi để bảo đảm cho sự phát triển bền vững, lâu dài của ngành kinh tế biển nước nhà.
Cho rằng Báo cáo giám sát được xây dựng công phu, đầy đủ với chủ đề cũng rất mang tính thời sự, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, Đoàn giám sát đã nêu lên những kết quả đạt được, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, tồn tại và đưa ra những kiến nghị xác đáng.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Báo cáo cần làm rõ thêm nội dung về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trước những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong thực hiện chính sách, pháp luật phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nhiều ý kiến tại phiên họp đã nêu lên những vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách đối với các lực lượng thi hành pháp luật trên biển nhằm bảo đảm cho lực lượng này hoạt động ngày càng hiệu quả, phục vụ đắc lực cho các hoạt động phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền, biển đảo, thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng chống tội phạm trên biển...
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, thông qua Nghị quyết tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.