Xây dựng niềm tin

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:59, 22/09/2017

(HNM) - Cách đây hơn 20 năm, có một thời dòng xe máy với nhãn hiệu “Ước mơ” (Dream) sản xuất tại Thái Lan được rất nhiều người Việt Nam ưa chuộng.


Nói như vậy để thấy rằng, từ nhiều thập kỷ qua, hàng Thái Lan đã len lỏi vào thị trường Việt Nam và dần chiếm ưu thế về chất lượng, giá cả, mẫu mã. Do đó, con số Việt Nam đã nhập siêu 3,5 tỷ USD giá trị hàng hóa từ Thái Lan trong 8 tháng đầu năm nay, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái cũng không có gì là lạ.

Tuy vậy, thông tin trên cũng khiến chúng ta không khỏi lo ngại. Trong số các nguyên nhân chỉ ra cho thấy, nhiều mặt hàng nước ta đã tự sản xuất, nhưng các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu từ Thái Lan như các mặt hàng điện, điện tử gia dụng và linh kiện, sản phẩm nhựa, đồ gia dụng như chất tẩy rửa, mỹ phẩm, đồ dùng nhà bếp… Ngay cả rau, quả là những nông sản thế mạnh của nước ta cũng đang chịu "lép vế" trước rau, quả nhập khẩu từ Thái Lan. Rõ ràng, nhiều hàng hóa Việt Nam đã “thua trên sân nhà”.

Trong khi đó, thực hiện lộ trình cam kết trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), hiện Việt Nam đã xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với xấp xỉ 90% tổng số dòng thuế và sẽ xóa bỏ thuế đối với 98% số dòng thuế vào năm 2018. Chưa kể, các tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan như Central Group, TCC Group… đã tiến hành mua bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam và tiếp tục có kế hoạch mở rộng thị trường. Do đó, thời gian tới, hàng Thái Lan càng có cơ hội tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam hơn và cũng khiến cho hàng nội địa đứng trước nhiều khó khăn, thách thức hơn.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, Chính phủ Thái Lan đã dành nguồn ngân sách đáng kể cho việc triển khai quy mô lớn và có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại tại Việt Nam. “Trông người mà ngẫm đến ta”, để giảm dần tình trạng nhập siêu, hướng tới một cán cân thương mại giữa hai nước cân bằng hơn, thời gian tới các cơ quan quản lý phải chủ động và quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang Thái Lan. Cơ quan quản lý cần tiếp tục hỗ trợ các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp tổ chức hoặc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại thị trường Thái Lan.

Ngoài việc chú trọng nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt bằng năng suất, chất lượng thì cần có các giải pháp, chính sách cụ thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp như triển khai mạnh mẽ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hỗ trợ lãi suất, thủ tục vay vốn… Cùng với đó là đàm phán, hợp tác với các tập đoàn phân phối bán lẻ của Thái Lan (Central Group, TCC) để kết nối tiêu thụ hàng Việt Nam.

Ngoài ra, tại thị trường trong nước, để có thể khẳng định ưu thế của hàng Việt cũng như có được niềm tin của người tiêu dùng, bản thân các doanh nghiệp cần phải đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, đưa ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu về chất lượng và mẫu mã với giá thành cạnh tranh. Chúng ta không thể hô hào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” khi mà chất lượng, mẫu mã, giá cả kém xa hàng hóa của nước bạn. Bên cạnh đó, nhằm khôi phục, xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng, các kênh phân phối cũng quyết liệt lựa chọn hàng hóa, chỉ chấp nhận bán những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, an toàn theo quy định, qua đó các nhà sản xuất buộc phải tự điều chỉnh, nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.

Trong xu thế toàn cầu hóa, theo quy luật của thị trường, mặt hàng nào tốt sẽ được người tiêu dùng lựa chọn và ngược lại. Cũng như vậy, nếu chất lượng hàng Việt Nam bảo đảm, giá cả hợp lý, đương nhiên người dân sẽ tin dùng. 

Duy Biên