Nỗi lo an toàn bữa ăn bán trú
Giáo dục - Ngày đăng : 07:02, 22/09/2017
Giờ ăn của học sinh bán trú Trường Marie Curie (Hà Nội). Ảnh: Thành Long |
Đúng quy trình vẫn chưa thể yên tâm
Ngày 21-9, UBND quận Ba Đình cho biết, đã có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội về việc trong khay ăn của học sinh Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám có ấu trùng. Kết quả xác minh ghi nhận tại đơn vị này không có trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm, công đoạn sơ chế thức ăn đúng quy trình, trang thiết bị dụng cụ để chế biến thực phẩm bảo đảm an toàn, không có thức ăn lưu cữu, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, do nhân viên nhà bếp chủ quan nên đã để xảy ra hiện tượng 1 khay inox của học sinh có ấu trùng.
Điều đáng nói, đây không phải sự cố duy nhất về việc mất an toàn, vệ sinh thực phẩm xảy ra trong những ngày đầu tháng 9. Hiện tượng tương tự cũng xuất hiện tại Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai) và Trường Mầm non Lại Yên (huyện Hoài Đức). Báo cáo của các trường đều xác định không có ngộ độc thực phẩm, không có hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe của học sinh, song không vì vậy mà làm giảm đi sự lo lắng, bất an của phụ huynh về vấn đề này.
Lo lắng ấy không phải là không có cơ sở, bởi số lượng học sinh ăn bán trú ngày càng lớn. Có khoảng 50% số trường trong tổng số hơn 2.700 trường học có tổ chức cho học sinh ăn bán trú. Nhiều quận có số trường tổ chức cho học sinh ăn bán trú chiếm trên 60% như: Hai Bà Trưng, Long Biên, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàng Mai...
Về lý thuyết, các trường có bếp ăn bán trú đều tuân thủ các yêu cầu quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm, chỉ ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng thực phẩm có giấy chứng nhận bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, nếu chỉ tin vào giấy chứng nhận thì có lẽ chưa đủ, bởi mức độ tin cậy của giấy chứng nhận ra sao vẫn là vấn đề còn tranh luận. Thực phẩm ôi thiu, có mùi có thể nhìn, ngửi thấy, nhưng để kiểm chứng hàm lượng thuốc trừ sâu, thuốc thực vật, kim loại... có trong rau quả; xác định xuất xứ, chất lượng của thực phẩm lại không đơn giản. Chuyện đơn vị kinh doanh thực phẩm thu mua rau không an toàn rồi đóng gói, dán mác an toàn để tiêu thụ; chuyện nhà trường ký hợp đồng với đơn vị cung ứng đủ điều kiện, nhưng cứ mỗi sáng lại cử nhân viên nhà bếp ra chợ mua rau, củ về nấu cho học trò chẳng phải là không có...
Trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng
“Khác với cấp học mầm non, việc nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh không phải là nhiệm vụ chuyên môn của cấp tiểu học, THCS, không được quy định trong điều lệ nhà trường, cũng không có biên chế để tổ chức công việc này. Tuy nhiên, với các trường tiểu học và THCS ở các thành phố, trong đó có Hà Nội, đây lại là một nhiệm vụ quan trọng. Việc các thầy, cô giáo không được học bài bản về dinh dưỡng, về đo đếm định lượng, tính toán khẩu phần ăn... khiến công tác tổ chức ăn bán trú thực sự là một thách thức lớn đối với các trường” - ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ đánh giá.
Tây Hồ hiện có 8/8 trường tiểu học tổ chức cho học sinh ăn bán trú, tỷ lệ học sinh ăn thường xuyên là hơn 80%. Hai trong số các trường tự tổ chức nấu, còn lại liên kết với đơn vị cung cấp suất ăn. Nhằm bảo đảm sức khỏe cho học sinh, hằng năm, UBND quận đều trực tiếp kiểm tra, thẩm định và duyệt danh sách các đơn vị cung ứng, các nhà trường lựa chọn đơn vị phù hợp trên căn cứ thỏa thuận với phụ huynh, không có sự chỉ định. Theo ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận, dù thực hiện theo hình thức nào, hiệu trưởng nhà trường vẫn là người chịu trách nhiệm cao nhất về mọi vấn đề liên quan đến việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú.
Sự việc Trường Mầm non Lại Yên (huyện Hoài Đức) không lưu mẫu thức ăn; rồi nhân viên rửa bát Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) làm ẩu... là minh chứng cho sự chủ quan, lơ là với việc bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm lại chưa có; từ trước tới nay cũng chưa có một văn bản nào của ngành về việc xử lý kỷ luật đối với cá nhân, tập thể có sai phạm, để xảy ra sự cố về mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cho biết, sẽ siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra trực tiếp tại các trường, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tuân thủ quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm của nhân viên, kiên quyết xử lý đối với những người không chấp hành quy định.
Theo Kế hoạch triển khai công tác an toàn, vệ sinh thực phẩm năm học 2017-2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đặt mục tiêu: 100% các trường có bếp ăn tập thể, căng tin ký hợp đồng với cơ sở cung ứng thực phẩm an toàn, được tập huấn về an toàn thực phẩm; 100% số người trực tiếp liên quan đến thực phẩm có kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm theo quy định...
Tuy nhiên, chị Nguyễn Thu Hồng (nhà số 14, phố Ngọc Trì, quận Long Biên) có con 4 tuổi đang học mầm non bày tỏ mong muốn nhà trường cho phép Ban Đại diện cha mẹ học sinh hoặc bất cứ phụ huynh nào, nếu có nguyện vọng được trực tiếp vào bếp ăn trường học để kiểm tra quy trình sơ chế, chế biến, bảo quản, chia, cấp thức ăn cũng như nguồn gốc, chất lượng thực phẩm...