Người “đứng mũi chịu sào” ở làng nghề Kiêu Kỵ
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:06, 22/09/2017
Nghệ nhân Lê Bá Chung giới thiệu sản phẩm của làng nghề quỳ vàng Kiêu Kỵ. |
Không ngừng cống hiến
Nghệ nhân Lê Bá Chung là người có công đầu trong việc cải tiến kỹ thuật, giảm giá thành sản phẩm, thay nguyên liệu phụ trợ, máy móc hỗ trợ để việc sản xuất quỳ từ trên 40 công đoạn nay còn hơn 20 công đoạn. “Giản lược bớt những công đoạn rườm rà, nhưng không vì thế mà độ tỉ mẩn, cẩn thận ít đi”, ông chia sẻ. Là người đầu tiên khôi phục và phát triển nghề sơn son thếp vàng, nghệ nhân Lê Bá Chung cũng có nhiều đóng góp trong việc dát vàng, phục chế một số hiện vật trên địa bàn Thủ đô cũng như cả nước.
Hào hứng kể cho chúng tôi nghe về mảnh đất hội tụ nhiều cá nhân kiệt xuất, cũng là nơi phát tích nghề dát vàng bạc quỳ độc nhất vô nhị với bề dày truyền thống trên 300 năm, nghệ nhân Lê Bá Chung cho biết, trải qua bao thăng trầm, lúc thịnh lúc suy nhưng người làng nghề chưa bao giờ có ý định từ bỏ nghề cha truyền con nối. Sự ra đời của kỹ thuật dát vàng, bạc quỳ thủ công ở Kiêu Kỵ không chỉ thỏa mãn những đòi hỏi khắt khe trong việc trang hoàng, tô điểm cho các công trình mà còn giúp người dân trong xã có đời sống ấm no, thịnh vượng.
Nghệ nhân Lê Bá Chung cho biết, để làm ra một lá quỳ từ nguyên liệu là vàng thật, bạc thật phải thực hiện 20 công đoạn mà công đoạn nào cũng cần kinh nghiệm, kỹ thuật tinh xảo, trong đó đánh quỳ là công đoạn khó nhất. Muốn có một quỳ vàng, người thợ phải đập khoảng một giờ liên tục với trên 1.400 nhát búa và chỉ cần lơ đãng, búa quỳ sẽ đập vào ngón tay. Đe để đánh quỳ cũng làm bằng tảng đá nhẵn mịn, rắn chắc. Búa chuyên dụng phải là búa cán dài, có sức nặng. Miếng quỳ được cho là đạt chất lượng khi đạt độ mỏng đều, mịn, gỡ ra không bị rách… Một chỉ vàng đập mỏng thành 980 lá có diện tích tương đương 0,9m2 thì đến nay chưa có máy móc hiện đại nào làm được. Kỹ thuật này từng khiến những nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản bái phục. Khâu cuối, khi gỡ vàng trả khách, người thợ phải làm việc trong phòng kín, đeo khẩu trang và ngồi trong màn vì chỉ cần thở mạnh những “bụi vàng” sẽ bay đi mất.
Ông Chung cho biết, đánh quỳ cần sự tinh tế, chính xác, vì vậy không nên làm việc nặng quá, không được rượu bia, thức khuya… Mỗi ngày chỉ nên đánh khoảng 6 - 7 quỳ là đẹp, làm nhiều hơn sẽ mỏi tay, ảnh hưởng đến chất lượng quỳ. Một sản phẩm được đánh giá cao đòi hỏi người thợ phải tán làm sao để khi sờ tay vào sản phẩm miết và mịn như bột, khi dát vào tượng lau đi phải bóng đều, đẹp mắt. Tận tụy với nghề, năm 1989, ông đã nghiên cứu tìm ra chất giấy thay thế giấy dó không phải nhập khẩu; đồng thời, cải tiến đập diệp, máy xay mực, lướt cả tờ to để giảm ngày công lao động.
Hiện, 12 thành viên trong gia đình ông Chung đều đang theo nghề truyền thống này. Đồng thời, ông còn tạo việc làm cho 20 lao động khác với thu nhập bình quân từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng.
Trăn trở nguồn lực làng nghề
Nhắc tới nghề truyền thống của tổ tiên, ông Lê Văn Yêm, một nghệ nhân cao niên của làng nghề, người đã có đến 36 năm “tay đe, tay búa” cho biết, do tính chất của nghề đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ nên hiếm người trẻ muốn theo học. Tuy được sự hỗ trợ tận tình của Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển làng nghề, Hiệp hội Các làng nghề thành phố trong việc mở các lớp đào tạo tay nghề thợ trẻ nhưng vẫn có nhiều người không bám trụ được. Không ít người làng nghề cũng đang chuyển sang may đồ da vì thu nhập cao hơn.
“Vì vậy, việc quan trọng là phải gấp rút đào tạo lớp thợ mới”, nghệ nhân Lê Bá Chung tâm tư. Ông đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) mở 5 lớp dạy nghề với tổng số 175 học viên tham gia, góp phần giữ gìn và đóng góp vào sự phát triển chung của làng nghề truyền thống thếp vàng Kiêu Kỵ. Tâm huyết với nghề của cha ông, nghệ nhân Lê Bá Chung trực tiếp đào tạo các em học sinh đã qua phổ thông trung học, nhiều người đã trở thành thợ mới trong các gia đình truyền thống xưa. Tại nhà Tràng - nơi thờ ông Tổ nghề và cũng là trụ sở của Hợp tác xã Công nghiệp quỳ vàng, Hội Dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ, nơi dạy nghề và làm nghề của nhiều thành viên trong hội, anh Dương Văn Hào cho biết, anh theo nghề đã 9 năm, vợ anh cũng đã theo nghề được 4 năm. Do đây là một nghề độc đáo, công phu nên không phải ai cũng kiên trì học và giỏi nghề. Nhưng nếu tâm huyết, nghệ nhân sẽ “sống tốt” với nghề.
Nghệ nhân Lê Bá Chung cũng chia sẻ, cùng với việc bảo tồn nghề dát vàng truyền thống, ông và các đồng nghiệp đồng thời tổ chức đào tạo các lớp thợ từ Bắc vào Nam. Các thành viên của Hội Dát vàng bạc quỳ còn chủ động mở hàng chục lớp truyền nghề tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và huyện Ba Vì (Hà Nội) cho hơn 1.000 lao động nông thôn….
Mỗi sản phẩm dát vàng quỳ là niềm tự hào của người dân Kiêu Kỵ bởi các nghệ nhân không sử dụng bất kỳ máy móc, thiết bị nào, hoàn toàn thủ công, thể hiện dấu ấn trong từng sản phẩm. Vậy nên nghề làm vàng, bạc quỳ của Kiêu Kỵ vẫn giữ được chất lượng và vị thế độc đáo, duy nhất trên khắp cả nước, nhận được sự đánh giá cao của không chỉ bạn hàng trong nước, mà của khách hàng từ các thị trường khó tính như Nhật Bản, Châu Âu…
Năm 2004, nghệ nhân Lê Bá Chung đã được UBND TP Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội đầu tiên. Ông cũng đã được Nhà nước vinh danh Nghệ nhân ưu tú. Năm 2014, con trai ông, anh Lê Bá Tươi đã được vinh danh là Nghệ nhân Hà Nội khi mới tròn 20 tuổi, là người trẻ tuổi nhất được vinh danh thời điểm đó.