Bên bờ vực đổ vỡ

Thế giới - Ngày đăng : 07:10, 23/09/2017

(HNM) - Thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân Iran được nhiều cường quốc ký kết năm 2015 đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ vì những tranh cãi nảy lửa giữa Tehran và Washington trong những ngày gần đây. Điều này đang đẩy tình hình an ninh Trung Đông, vốn đã rất phức tạp, đứng trước những mối lo và hệ lụy mới.

Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ D.Trump tại khóa họp thứ 72 Đại hội đồng Liên hợp quốc có thể khiến thỏa thuận hạt nhân Iran đổ vỡ.



Trên thực tế, ngay trong thời gian tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) là điều tồi tệ và nhiều lần bày tỏ ý định lật ngược những cam kết. Vì thế, lập trường gay gắt của Nhà Trắng nhằm vào Tehran tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc mới đây là động thái đã được dự đoán. Cách giải quyết vấn đề của Washington dường như được thể hiện rõ hơn qua phát ngôn của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tilleson trước thềm cuộc gặp đầu tiên với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Theo đó, thỏa thuận cần thay đổi theo hướng tăng cường các hoạt động giám sát bổ sung, ngăn chặn hiệu quả hơn nguy cơ phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Tehran.

Trong khi đó, theo quan điểm của Iran, các nhà lãnh đạo Mỹ đang thực hiện những bước đi nhằm làm suy yếu “Vương quốc Ba Tư” để lấy lòng các đồng minh tại khu vực như Israel và Saudi Arabia. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là người ủng hộ nhiệt tình quan điểm của Tổng thống D.Trump. Nhà lãnh đạo quốc gia Do Thái từng cho rằng, thỏa thuận cần được thay đổi theo hướng kéo dài lệnh đóng băng chương trình phát triển hạt nhân trong 10 năm của Iran, hoặc thậm chí là đình chỉ vĩnh viễn và tiêu hủy các lò phản ứng của nước này thay vì chỉ tạm dừng các hoạt động của chúng như hiện nay. Theo kế hoạch, đến ngày 15-10 tới, tức là chỉ còn hơn 3 tuần nữa, Tổng thống D.Trump phải đưa ra quyết định về việc chứng thực xem Iran có đang tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân hay không để các bên có thể tiếp tục gia hạn văn bản này. Nếu ông chủ Nhà Trắng phủ nhận nỗ lực của Iran, điều đó đồng nghĩa với việc thỏa thuận sẽ đứng bên bờ vực đổ vỡ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, ý định hủy bỏ văn bản lịch sử này của Tổng thống D.Trump đang đứng trước nhiều rào cản. Đến thời điểm hiện tại, chính quyền Mỹ vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào chứng minh Iran không thực hiện những cam kết. Hơn nữa, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã nhiều lần khẳng định rằng, Tehran hoàn toàn tuân thủ các điều khoản đã ký kết. Bên cạnh đó, quan điểm của Mỹ cũng vấp phải sự phản đối của các đồng minh thuộc Liên minh Châu Âu (EU). Mới đây, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini đã nói rõ, không cần thương lượng lại thỏa thuận hạt nhân có tên là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) giữa Iran và nhóm P5+1, đồng thời cho biết các bên tham gia đều đang tuân thủ văn bản trên. Thậm chí, trong tuyên bố ngày 19-9, một số chính trị gia và đại diện giới quân sự Châu Âu còn đưa ra lập luận rằng, bất kỳ hành động đơn phương nào của Mỹ gây nguy hại cho thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng trong quan hệ Mỹ - Châu Âu, làm hủy hoại lập trường quốc tế của Mỹ và niềm tin của Châu Âu đối với Washington.

Trong bối cảnh thế giới đang thúc đẩy các cơ hội đàm phán ngoại giao để ngăn chặn nỗ lực theo đuổi vũ khí hạt nhân, việc hủy bỏ thỏa thuận với Iran không chỉ kích động bất ổn ở Trung Đông mà còn gây ra hệ lụy xấu đối với việc giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên. Viễn cảnh đó chắc chắn sẽ làm suy yếu lòng tin của các quốc gia tại khu vực Đông Bắc Á, nơi đang rất cần sự hợp tác để giải quyết thách thức liên quan đến tham vọng nguyên tử của Bình Nhưỡng. Nói như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: “Chối bỏ thỏa thuận này sẽ là một sai lầm chết người”.

Quỳnh Dương