Việt Nam giành 4 HCV, 10 HCB tại Liên hoan múa quốc tế 2017

Văn hóa - Ngày đăng : 07:05, 23/09/2017

(HNMO) - Sau 7 ngày diễn ra tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Ninh Bình (từ ngày 16 đến 22-9, Liên hoan Múa quốc tế 2017 bế mạc vào tối 22-9. Việt Nam giành 4 Huy chương vàng (HCV), 10 Huy chương bạc (HCB).

Sau 7 ngày diễn ra tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Ninh Bình (từ ngày 16 đến 22-9, Liên hoan Múa quốc tế 2017 bế mạc vào tối 22-9. Việt Nam giành 4 Huy chương vàng (HCV), 10 Huy chương bạc (HCB).

 NSND Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và bà Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình trao Huy chương vàng cho các diễn viên.


Liên hoan Múa quốc tế 2017 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL), Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Ninh Bình, Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức. Liên hoan Múa quốc tế 2017 là cơ hội để các nghệ sĩ đến từ các quốc gia khác nhau gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp. Đây cũng là cầu nối giúp các nước hiểu hơn về các giá trị văn hóa của nhau.

Ban tổ chức cho biết, tham dự liên hoan năm nay có hơn 500 nghệ sĩ múa đến từ 15 quốc gia: Bangladesh, Campuchia, Colombia, Trung Quốc, Ai Cập, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Liên bang Nga, Singapore và Việt Nam.

Ông Phạm Đình Thắng, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng ban Tổ chức Liên hoan và ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình trao Huy chương bạc cho các diễn viên.


 Liên hoan múa quốc tế lần này có tổng số 24 đoàn nghệ thuật, trong đó Philippines có 2 đoàn và nước chủ nhà Việt Nam có 9 đoàn tham gia, biểu diễn gần 100 tác phẩm. 

Thay mặt Hội đồng Giám khảo, NSND Phạm Anh Phương - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đánh giá tổng kết về chất lượng của Liên hoan lần này: Gần 100 tác phẩm múa thuộc nhiều thể loại như: Folklore, múa dân tộc truyền thống, múa dân tộc – hiện đại, múa ballet cổ điển và hiện đại, múa hiện đại… đã mang tới Liên hoan sự đa dạng thể loại múa của từng quốc gia, dân tộc trên thế giới. Dù mỗi tác phẩm được thể hiện ở những cung bậc và mức độ khác nhau, song nhìn chung đều phản ánh được năng lực sáng tạo nghệ thuật múa trong lựa chọn ý tưởng, đề tài và nội dung, đồng thời chứa đựng hơi thở, thẩm mỹ đương đại. Các tác phẩm đều cố gắng vận dụng chất liệu múa dân gian các dân tộc, điều đó cho thấy các nghệ sĩ luôn trân trọng giá trị ngôn ngữ múa truyền thống.

Tiết mục “Terri Jorio” của Đoàn múa Colombia – Huy chương vàng biểu diễn trong Lễ bế mạc.

Tiết mục “Thiên hương” của Đoàn múa Hà Nam, Trung Quốc – Huy chương bạc.


Kết quả, có 10 tiết mục xuất sắc nhất được trao HCV, trong đó Việt Nam giành 4 HCV cho các tiết mục: “Ký ức dòng Lam” của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội; “Mùa xuân thiêng liêng” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam; “Chong Shieu” của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang; “Mẹ phù sa” của Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Sao Biển.

Các tiết mục còn lại đạt Huy chương vàng là: “Hồng nhạn bay về phương Nam” của Đoàn Nghệ thuật Ca múa nhạc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc; “Zaclornaja” của Đoàn múa Vezelitsa, Liên bang Nga; “Main Zapin” của Đoàn múa Ask – Malaysia; “Hoang dã” của Nhà hát Nghệ thuật múa Trung Hoa Singapore; “Terriforio/Mantos” của Vũ đoàn Periferia, Colombia; “The white road” của Đoàn Nghệ thuật múa truyền thống K-Art, Hàn Quốc.

Ngoài ra Ban tổ chức còn trao 20 HCB, trong đó Việt Nam giành 10 HCB; 3 giải “Diễn viên xuất sắc” cho các diễn viên: Nicole Barroso với tiết mục “Don Quixote Grand Pas de Deux” của Đoàn Ba-lê Manila, Philippines; Nguyễn Văn Nam với tiết mục “Mùa xuân thiêng liêng” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam; Lu Peng với tiết mục “Cánh rừng tuyết” của Đoàn Nghệ thuật Ca, múa, nhạc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc; 1 giải “Nhóm diễn viên trẻ nhất” thuộc về nhóm thiếu nhi của Học viện Ba-lê hiện đại Mariko Tosa, Nhật Bản. Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tặng Bằng khen cho 4 đơn vị quốc tế tham gia Liên hoan là Ai Cập, Bangladesh, Philippines và Myanmar.

Hoàng Lân