Xử lý tình trạng taxi “bắt chẹt” du khách: Cần chuẩn hóa quy định quản lý

Du lịch - Ngày đăng : 08:09, 24/09/2017

(HNM) - Thời gian qua, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra một số vụ việc lái xe taxi “chặt chém” du khách, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh người Hà Nội với bạn bè trong nước và quốc tế.

Qua tìm hiểu, phần lớn những chiếc xe taxi ngang nhiên “chặt chém” ấy có đăng ký kinh doanh tại các địa phương lân cận, nhưng lại “lách luật” để hoạt động tại Hà Nội. Thực trạng trên cho thấy đã đến lúc cần chuẩn hóa quy định quản lý taxi nhằm bảo đảm an toàn cho du khách và trật tự xã hội.


Hiện nay, hoạt động taxi đang trở nên khó quản lý. Ảnh: Anh Tuấn


Những lái xe taxi “chặt chém”

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải, thời gian qua, Sở đã chủ động phối hợp với Công an TP Hà Nội, Sở GT-VT Hà Nội, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thanh tra Bộ Công an và các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý tình trạng chèo kéo, bắt chẹt khách du lịch. Tuy nhiên, gần đây trên địa bàn thành phố vẫn xảy ra một số trường hợp lái xe taxi có hành vi chiếm đoạt tiền của du khách.

Cụ thể, vào đêm 22-8 vừa qua, đường dây nóng của Sở Du lịch Hà Nội nhận tin báo của du khách Lee Misun (quốc tịch Hàn Quốc) về một tài xế taxi có dấu hiệu “chặt chém” khi chở bà đi từ phố Quán Sứ đến phố Tràng Tiền (Hoàn Kiếm). Lực lượng thường trực đường dây nóng ngay lập tức liên hệ với các cơ quan chức năng để phối hợp và xác định lái xe taxi trên là người của Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Tiến Thành. Ngày 23-8, Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội đã mời lái xe, đại diện doanh nghiệp, bà Lee Misun đến trụ sở để giải quyết. Tại đây, lái xe đã thừa nhận hành vi và xin lỗi bà Lee Misun, đồng thời trả lại số tiền 230.000 đồng đã chiếm đoạt. Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cũng đã lập biên bản, xử phạt lái xe này số tiền 3.200.000 đồng do có nhiều vi phạm khác và tạm giữ giấy phép lái xe 2 tháng.

Trong buổi làm việc tại Sở Du lịch Hà Nội, bà Lee Misun chia sẻ: “Tôi đã có 5 ngày trải nghiệm tuyệt vời tại đất nước bạn, nhưng đáng tiếc sau đó lại gặp phải sự việc này. Tuy nhiên, tôi cũng cảm ơn người dân và cơ quan chức năng đã quan tâm, giúp đỡ, nhanh chóng giải quyết vụ việc”.

Mới đây nhất, ngày 16-9 vừa qua, 2 vị khách nước ngoài đi từ phố Hàng Quạt (Hoàn Kiếm) đến Bảo tàng Dân tộc học (Cầu Giấy) đã bị tài xế xe taxi mang biển kiểm soát 30A - 562.18 của Công ty TNHH Taxi Đại Hòa Phát thu gấp 5 lần tiền cước so với giá thực tế. Với quãng đường chỉ mất khoảng 150.000 đồng tiền cước, 2 vị khách nước ngoài đã phải trả cho tài xế này 870.000 đồng...

Lỗ hổng về quản lý

Những vụ việc trên không chỉ những du khách nước ngoài bị thiệt hại mà hình ảnh thân thiện của đất nước và con người Hà Nội cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, để cùng xây dựng môi trường du lịch Thủ đô lành mạnh, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân và du khách đề cao cảnh giác, phát hiện vi phạm, hiện Sở vẫn duy trì đường dây nóng 0941336677, hoạt động 24/24 giờ. Hai địa điểm gồm Sở Du lịch Hà Nội (3B Hoàng Diệu) và Quầy Thông tin hỗ trợ du khách (phố Lê Thạch) sẵn sàng tiếp nhận thông tin và xử lý các vấn đề liên quan đến du lịch trên địa bàn.

Đề cập đến công tác quản lý và xử lý các trường hợp taxi hoạt động chèo kéo khách, đại diện các cơ quan chức năng thừa nhận đang có những bất cập. Đặc biệt, đang tồn tại hàng nghìn taxi “dù” và taxi đăng ký kinh doanh ngoại tỉnh, nhưng “lách luật” hoạt động tại Hà Nội. Như với trường hợp xe taxi của Công ty TNHH Taxi Đại Hòa Phát nói trên, qua tìm hiểu cho thấy, hãng này đăng ký kinh doanh và đặt trụ sở chính tại thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Mặc dù thường xuyên hoạt động trên địa bàn Thủ đô nhưng xe này không được cấp phù hiệu kinh doanh taxi tại Hà Nội. Trong khi đó, ngay cả khi Ủy ban ATGT quốc gia yêu cầu Sở GT-VT tỉnh Vĩnh Phúc có biện pháp xử lý vi phạm thì địa phương này trả lời không nắm bắt được vụ việc và khó xử lý bởi vi phạm xảy ra ngoài địa bàn.

Lãnh đạo Sở GT-VT Hà Nội nhận định, hiện nay hoạt động taxi đang trở nên khó quản lý, vì vậy, Hà Nội khẩn trương nghiên cứu, xây dựng bộ Quy chế quản lý riêng. Nếu có quy chế riêng, phân vùng hoạt động rõ ràng, quản lý về điểm dừng đỗ, có màu sơn thống nhất để nhận biết thì công tác quản lý taxi sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Khi đó, taxi “dù”, taxi ngoại tỉnh sẽ "hết đường" vào Thủ đô để gian lận, bắt chẹt khách và gây mất trật tự xã hội, giảm áp lực cho giao thông khu vực nội đô.

An Nhi - Tuấn Lương