Chuẩn hóa quản lý, sử dụng nghĩa trang

Xã hội - Ngày đăng : 07:50, 24/09/2017

(HNM) - Quản lý, sử dụng nghĩa trang nhân dân sao cho phù hợp với truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt, hạn chế ảnh hưởng đến mỹ quan, môi trường luôn được TP Hà Nội quan tâm.

Nghĩa trang nhân dân xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) được quan tâm xây dựng, quản lý như công viên.


Quy mô nhỏ, phân bố rải rác

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có hơn 2.600 nghĩa trang nhân dân. Ngoài 4 nghĩa trang cấp thành phố, 3 nghĩa trang cấp huyện được xây dựng tập trung, đa số nghĩa trang còn lại là nghĩa trang cấp xã, thôn, phân bố rải rác trong các khu dân cư.

Nhằm đưa hoạt động quản lý, sử dụng nghĩa trang vào nền nếp, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nghĩa trang nhân dân tại Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND ngày 22-7-2014. Theo Quy chế, các nghĩa trang phải có tường, rào bao quanh, tạo không gian riêng biệt; việc mai táng người quá cố phải được thực hiện trong nghĩa trang. Các phần mộ riêng lẻ từng bước được di chuyển về nghĩa trang tập trung. Các xã, phường, thị trấn có nghĩa trang phải thành lập bộ phận quản lý nghĩa trang, phân công cán bộ phụ trách, bố trí kinh phí hỗ trợ cho người tham gia quản lý nghĩa trang… Những nhiệm vụ này tiếp tục được đặt ra tại Quy định quản lý, sử dụng nghĩa trang do UBND TP Hà Nội vừa ban hành kèm theo Quyết định số 30/2017/QĐ-UBND ngày 21-9-2017.

Trên thực tế, sau hơn ba năm thực hiện Quy chế quản lý, sử dụng nghĩa trang, đa số các địa phương đã tổ chức mai táng người quá cố trong nghĩa trang; tuyên truyền, vận động các gia đình, dòng họ đưa mộ người thân nằm rải rác vào các nghĩa trang tập trung. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân và cộng đồng về việc tang đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Song, do nguồn kinh phí còn hạn hẹp, việc di chuyển các phần mộ riêng lẻ vào nghĩa trang tập trung mới được thực hiện ở một số địa phương, rất hiếm hộ gia đình, dòng họ tự nguyện, tự giác thực hiện.

Theo ông Hoàng Văn Hoàn, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Anh, việc đưa các nghĩa trang nhân dân trở thành công viên cần nguồn kinh phí rất lớn, không phải địa phương nào cũng có khả năng thực hiện. Tại huyện Đông Anh, việc chỉnh trang nghĩa trang truyền thống phù hợp với cảnh quan, không gian, có tường rào, nhà quản trang, người quản trang... là mục tiêu khó đạt nhất trong quá trình thực hiện việc tang văn minh, tiến bộ ở cấp cơ sở.

Đồng quan điểm trên, ông Đặng Đình Trung, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Sóc Sơn cho hay: 26 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sóc Sơn có tới hơn 260 nghĩa trang, trung bình mỗi xã, thị trấn có khoảng 10 nghĩa trang, vậy nên các xã khó có thể đầu tư nâng cấp, bố trí người quản lý, trông coi nghĩa trang theo quy định chung. Việc quy tập mộ rải rác càng khó thực hiện, bởi vấn đề này cần ý thức tự nguyện, tự giác của người dân…

Quản lý không quá khó, nếu quyết tâm

Không thể phủ nhận, việc quản lý, sử dụng nghĩa trang nhân dân theo quy định chung rất khó thực hiện, nhưng nếu các địa phương triển khai bài bản, tạo được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân thì mọi việc dù khó đến mấy cũng trở nên dễ dàng.

Ông Phương Văn Liểu, Chủ tịch UBND xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) cho biết, xã Tản Hồng vốn tồn tại rất nhiều hủ tục trong việc tang. Đến những năm đầu thế kỷ XXI, rất nhiều gia đình, dòng họ vẫn đặt mộ người thân ở bất cứ phần đất trồng trọt nào của các gia đình. Hệ thống nghĩa trang của xã cũng không tập trung, thiếu sự quản lý thống nhất nên vừa ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, vừa cản trở quá trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Thấy rõ những bất cập này, năm 2010, xã Tản Hồng đã quy hoạch nghĩa trang, phân khu cải táng và hung táng thành hai khu vực riêng biệt. Khu vực hung táng nằm xa khu dân cư nhằm hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Trong khu vực cải táng, 100% mộ phần thống nhất về mẫu mã, kích thước, đặt theo dãy thẳng hàng và đánh số theo thứ tự. Về quản lý nghĩa trang, xã Tản Hồng giao cho các thôn thành lập tổ quản lý gồm đại diện chính quyền thôn và các hội, đoàn thể. Xã hỗ trợ một phần kinh phí cho quản trang và giao cho một đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách, theo dõi, chỉ đạo các thôn thực hiện.

Tương tự cách làm của xã Tản Hồng, việc quản lý, sử dụng nghĩa trang nhân dân tại xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) đã và đang đi vào nền nếp. Nghĩa trang cấp xã có hệ thống tường bao quanh, cây xanh phủ kín. Nghĩa trang các thôn do các thôn tự chọn ban quản lý, tự đóng góp kinh phí cải tạo, nâng cấp. Ngoài phụ cấp hằng tháng, người quản trang được xã Vĩnh Ngọc tạo điều kiện để tăng gia, sản xuất, giúp họ nâng cao tinh thần trách nhiệm và gắn bó lâu dài với công việc.

Từ những ví dụ trên có thể nhận thấy, quy định quản lý, sử dụng nghĩa trang trên địa bàn TP Hà Nội đã khá rõ ràng, cụ thể. Để hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra, các địa phương cần linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt trong quá trình triển khai thực hiện.

Hà Hiền