Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và các đại biểu Quốc hội Hà Nội tiếp xúc cử tri huyện Phúc Thọ

Chính trị - Ngày đăng : 08:16, 24/09/2017

(HNMO) - Sáng 24-9, tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XIV, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tiếp xúc với cử tri huyện Phúc Thọ tại trụ sở UBND xã Thanh Đa.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri huyện Phúc Thọ


Tham gia tiếp xúc cử tri còn có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng; ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ lao động (Liên đoàn Lao động Việt Nam), Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội và bà Bùi Huyền Mai, Thành ủy viên, đại biểu chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; đại diện các sở, ban, ngành và hơn 200 cử tri huyện Phúc Thọ.


Mở đầu hội nghị, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Ngọ Duy Hiểu thông báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ tư. Theo đó, kỳ họp sẽ khai mạc ngày 23-10 và bế mạc ngày 22-11. Quốc hội khoá XIV sẽ xem xét thông qua 6 luật, cho ý kiến vào 10 dự án luật. Quốc hội cũng sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến về một số nội dụng quan trọng như về tình hình kinh tế - xã hội; công tác phòng, chống tội phạm; công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện giám sát thông qua chất vấn và trả lời chất vấn… 

Trả lời của các cơ quan Trung ương và UBND TP Hà Nội đối với kiến nghị của cử tri huyện Phúc Thọ sau kỳ họp thứ ba


Bà Bùi Huyền Mai đã báo cáo về trả lời của các cơ quan Trung ương và UBND TP Hà Nội đối với kiến nghị của cử tri huyện Phúc Thọ sau kỳ họp thứ ba. Trong đó, cử tri huyện Phúc Thọ đã phản ánh tình trạng kinh niên “được mùa rớt giá” của nông sản, đồng thời đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có giải pháp căn cơ trong quy hoạch phát triển chăn nuôi, trồng trọt vừa bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa tránh kéo theo nhiều hệ luỵ như ô nhiễm môi trường; giá cả thất thường… 

Trả lời kiến nghị này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, về lâu dài, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành có sự tham gia của các địa phương, tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp, chính sách nhằm tạo điều kiện cho chăn nuôi trong nước phát triển và người chăn nuôi yên tâm đầu tư, bảo đảm hiệu quả và lợi ích của người chăn nuôi.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra 4 giải pháp, trong đó giải pháp đầu tiên là rà soát, đánh giá thực trạng quy hoạch và phát triển ngành chăn nuôi tại các địa phương, trên cơ sở đó đề xuất điều chỉnh một số nội dung của Chiến lược Phát triển chăn nuôi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng thị trường và phù hợp với tình hình mới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định sẽ tập trung chỉ đạo triển khai tái cơ cấu toàn diện ngành để thúc đẩy chăn nuôi theo hướng công nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững; rà soát Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi và Kế hoạch hành động đến năm 2020 nhằm điều chỉnh quan điểm, định hướng mới, bổ sung một số nội dung phù hợp với thực trạng sản xuất và tình hình mới hiện nay.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ chỉ đạo tổ chức lại sản xuất như việc xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội… sản xuất theo chuỗi sản phẩm khép kín, tập trung từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giảm đến mức thấp nhất khâu trung gian.

Bà Bùi Huyền Mai báo cáo về trả lời của các cơ quan Trung ương và UBND TP Hà Nội đối với kiến nghị của cử tri huyện Phúc Thọ sau kỳ họp thứ ba.


Cử tri huyện Phúc Thọ và nhiều địa phương khác kiến nghị: “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng từ sau Đại hội XII của Đảng có chuyển biến nhưng còn nhiều thách thức, rào cản do một số cán bộ lãnh đạo không gương mẫu, thiếu quan tâm, sâu sát, chui vào vỏ bọc “qui trình”. Đề nghị có các giải pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn về công tác này”.

Trả lời kiến nghị này, Bộ Nội vụ cho biết, tại Nghị định số 25/NĐ-CP ngày 8-2-2017 về chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, Chính phủ đã xác định nhiệm vụ: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trước mắt, tập trung xử lý ngay, dứt điểm đối với các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, lãng phí, những vụ việc tham nhũng, tội phạm kinh tế và tội phạm về chức vụ nghiêm trọng, phức tạp… được dư luận xã hội, nhân dân quan tâm. Xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, công chức sai phạm theo quy định của pháp luật.

Cử tri Phúc Thọ kiến nghị nhiều vấn đề dân sinh, đề nghị khắc phục tình trạng “được mùa rớt giá”

Mở đầu phần phát biểu ý kiến của cử tri đối với đại biểu Quốc hội, cử tri Trần Đình Lương (xã Hát Môn) kiến nghị thành phố quan tâm phát triển khu du lịch Hát Môn nhằm phát huy giá trị của đền Hát Môn đã được cấp bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt, hằng năm có lễ hội với quy mô vùng thu hút đông đảo khách tham quan. Ông cũng kiến nghị thành phố đôn đốc tiến độ tuyến đường từ Quốc lộ 32 đến đền Hát Môn xong trước lễ hội năm 2018; bổ sung biên chế cho Văn phòng Đảng ủy xã, tăng phụ cấp cho các chức danh chủ tịch các hội đặc thù ở cấp xã…

Trước khi nêu kiến nghị, cử tri Nguyễn Văn Mạnh (xã Thanh Đa) cảm ơn và đánh giá cao phần trả lời trách nhiệm, đầy đủ các kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ ba Quốc hội khoá XIV của các cơ quan Trung ương và UBND TP Hà Nội do đại biểu Quốc hội Bùi Huyền Mai trình bày. Nêu kiến nghị cụ thể, ông Mạnh phản ánh tình trạng ứ đọng rác trên địa bàn do việc người dân ngăn cản hoạt động của bãi rác Xuân Sơn. Ông cho biết, 9 tháng đầu năm nay, huyện Phúc Thọ đã có 3-4 lần nhận thông báo ngừng tiếp nhận rác của bãi rác Xuân Sơn, hiện nay, tình trạng tồn đọng rác vẫn diễn ra. Ông đề nghị thành phố có giải pháp thiết thực, kịp thời xây dựng các công trình xử lý rác thải để bảo đảm môi trường, không để kéo dài tình trạng ứ đọng rác. Cử tri Mạnh cũng nêu một số kiến nghị khác như: các sở, ngành thành phố quan tâm giúp huyện sớm quy hoạch các điểm sản xuất tiểu thủ công nghiệp; tăng phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở thôn; giảm tải cho Trường mầm non xã Thanh Đa hiện đang quá tải với trên 50 trẻ/lớp…

Cử tri Trịnh Văn Hồng (xã Tam Thuấn) cho biết, thời gian qua, cử tri và nhân dân đánh giá rất cao và đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là khi Trung ương đã mạnh tay xử lý một số cán bộ vi phạm, mắc khuyết điểm; xác định không có vùng cấm trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ông Hồng cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng về chất lượng giáo dục đại học khi một số trường tuyển đầu vào với số điểm quá thấp. Ông cũng tiếp tục đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp sớm để khắc phục những bất cập trong phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay, khắc phục tình trạng “được mùa rớt giá”. 


Theo cử tri Nguyễn Văn Học (xã Ngọc Tảo), đê Ngọc Tảo ngày càng xuống cấp, bố trí giao thông cũng chưa phù hợp, có nguy cơ mất an toàn. Ông đề nghị các cơ quan chức năng mở thêm một con dốc trên tuyến đê xuống làng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Cử tri Nguyễn Văn Học cũng kiến nghị thành phố có biện pháp tạo việc làm cho lao động nông thôn, hạn chế dòng người “di cư” hằng ngày vào nội đô kiếm việc làm, tạo áp lực ngày càng lớn lên hệ thống giao thông thành phố. Ông cũng kiến nghị thành phố và huyện đầu tư bổ sung thêm các trạm biến áp trên địa bàn xã vì hiện nay điện sinh hoạt của người dân rất yếu.

Nhấn mạnh niềm tin, sự phấn khởi của cử tri đối với kết quả phòng, chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng của Trung ương vừa qua, ông Nguyễn Văn Học cũng trăn trở vì các đối tượng trong một số vụ án được phát hiện, xét xử thời gian gần đây đã gây ra thất thoát tài sản rất lớn cho Nhà nước. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp tăng cường quản lý kinh tế - xã hội, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.

Cử tri Lê Đình Bình (xã Võng Xuyên) phản ánh, Trường Mầm non Võng Xuyên A còn phân tán thành 2 khu, không đủ diện tích theo chuẩn và còn 6 phòng học dột nát. Ông đề nghị các cơ quan chức năng thành phố sớm quan tâm đầu tư khắc phục cho địa phương.

Giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích của huyện Phúc Thọ vẫn còn thấp

Trao đổi với cử tri về các kiến nghị thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của huyện, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cho hay, năm 2017, thành phố giao cho huyện 14 chỉ tiêu, HĐND huyện giao thêm 8 chỉ tiêu. Đến nay, mặc dù chưa hết quý III, huyện đã đạt 6 chỉ tiêu, vượt 11 chỉ tiêu, chỉ còn lại 3 chỉ tiêu chưa đạt. Huyện cũng đã tập trung thực hiện đạt và vượt tiến độ một số nhiệm vụ trọng tâm của thành phố chỉ đạo như: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây, sửa nhà cho người có công… Thực hiện chỉ đạo của thành phố, huyện đã và đang tích cực thu hút đầu tư trên địa bàn, đạt hiệu quả bước đầu tích cực. Hết năm 2017, huyện sẽ có 22/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Với tinh thần xây dựng nông thôn mới thực chất, huyện cũng đã phát động phong trào 3 sạch: Nước sạch, môi trường sạch và nông nghiệp sạch.

Thời gian qua, huyện cũng đã tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhờ đó, trong số 200 vụ việc mất an ninh trật tự được thành phố thống kê, không có vụ việc nào của huyện Phúc Thọ.

Tuy nhiên, ông Doãn Trung Tuấn cũng thẳng thắn nhìn nhận, giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích của huyện vẫn còn thấp; số doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn còn ít; huyện chưa cân đối được thu chi ngân sách; đấu giá đất hiệu quả thấp, giá đấu thành công chưa cao… Ví dụ, tại xã Ngọc Tảo, vay đầu tư hạ tầng đấu giá đất trên 100 tỷ đồng, nhưng đến nay mới đấu giá được khoảng 40 tỷ đồng, vừa qua bán hồ sơ đến lần thứ ba chưa có người mua...

Đồng tình với kiến nghị của cử tri về đầu tư tôn tạo di tích đền Hát Môn, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ tha thiết kiến nghị thành phố quan tâm, vì đây là dự án trọng điểm có thể giúp huyện thay đổi cơ cấu kinh tế. Về kiến nghị cải tạo, nâng cấp Trường Mầm non Thanh Đa, ông Doãn Trung Tuấn cho biết, huyện đã bố trí 50 tỷ đồng để thực hiện. Đối với Trường Mầm non Võng Xuyên A, huyện đang xem xét bố trí vốn. 

Ông Doãn Trung Tuấn cũng nêu thêm một số kiến nghị đối với thành phố như: xây thêm cầu kết nối huyện Phúc Thọ với tỉnh Vĩnh Phúc thay vì đầu tư cho bến phà như hiện nay; thúc đẩy một số dự án giao thông trên địa bàn huyện, trong đó có dự án trục Đông Tây dài 13km; xem xét dự án vườn sinh thái Cẩm Bình Hiệp Thuận 10 năm qua vẫn án binh bất động…

Trao đổi kiến nghị của cử tri về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở, tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, mặc dù tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của huyện Phúc Thọ đã đạt 99%, nhưng huyện mới chỉ cấp được 2/107 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở, tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng. Một trong những khó khăn hiện nay trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở, tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng chính là xác định chủ thể để cấp. Quan điểm của thành phố là trường hợp nào đủ điều kiện là cấp ngay, đồng thời cắt giảm tối đa thủ tục hành chính. Sở đang tham mưu, xin ý kiến các bộ, ngành liên quan cho kê khai các thửa đất của cơ sở, tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng theo Điều 95 Luật Đất đai để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội trao đổi thêm với các cử tri huyện Phúc Thọ.


Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho cấp xã, phát huy sự chủ động, sáng tạo, nâng cao trách nhiệm của cán bộ cơ sở

Phát biểu kết thúc hội nghị tiếp xúc cử tri với huyện Phúc Thọ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải cảm ơn cử tri đã phát biểu ý kiến đóng góp cho tình hình chung cả nước, cho thành phố và huyện Phúc Thọ; thể hiện rõ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị để các cơ quan chức năng có cơ sở để giải quyết.

Bí thư Thành ủy Hà Nội vui mừng trước kết quả phát triển kinh tế - xã hội, kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện Phúc Thọ. Tuy nhiên, đồng chí Hoàng Trung Hải cho rằng, đó mới là kết quả bước đầu, đạt chuẩn nông thôn mới không phải đã dừng lại, cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện cần tiếp tục nỗ lực cố gắng duy trì và nâng cao hơn nữa những kết quả xây dựng nông thôn mới trên các lĩnh vực. Bí thư Thành ủy Hà Nội tin rằng với định hướng của thành phố cũng như mục tiêu, kế hoạch của huyện, Phúc Thọ sẽ tiếp tục phát triển, đạt thêm nhiều thành tích phát triển mới.

Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải đánh giá, sự phát triển của huyện Phúc Thọ góp phần quan trọng vào thành tích phát triển chung của thành phố 9 tháng qua. Trong điều kiện khó khăn, nhưng các huyện, trong đó có Phúc Thọ, đã vươn lên rất tốt, đóng góp ngày càng lớn cho thành phố. Đây là kết quả của việc thành phố đã tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương. Bí thư Thành ủy đề nghị huyện cũng tăng cường phân cấp, phân quyền cho các xã, thị trấn, nhằm phát huy sự chủ động, sáng tạo, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho cán bộ cơ sở.  


Để thúc đẩy sự phát triển của các huyện ngoại thành, thành phố đang tập trung mạnh cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông nhằm tăng cường kết nối giữa khu vực nội đô và các đô thị vệ tinh và khu vực ngoại thành. Mặc dù khó khăn về nguồn vốn, nhưng thành phố đã và đang hoàn thiện hệ thống giao thông vành đai, các trục xuyên tâm

Đồng chí Hoàng Trung Hải cũng cho biết, đến nay thành phố cơ bản hoàn thiện hệ thống quy hoạch và đang tiếp tục triển khai, phấn đấu hết nhiệm kỳ này hoàn thiện hệ thống quy hoạch thành phố, làm cơ sở để quản lý theo quy hoạch.

Theo đồng chí Hoàng Trung Hải, song song với việc tăng cường phân cấp, phân quyền góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của các cấp, các ngành, thành phố đang tập trung cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới mục tiêu xây dựng bộ máy hành chính hiệu quả, thân thiện hơn, văn minh hơn và phục vụ cho người dân tốt hơn. Vụ việc đáng tiếc liên quan đến cấp giấy chứng tử ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa là hồi chuông cảnh báo. Từ đó, thành phố đã chỉ đạo kiên quyết đối với cán bộ đảm nhiệm vị trí tiếp dân phải được đào tạo, học cách ứng xử văn minh, có trách nhiệm. Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu: “Từ vụ việc này, lãnh đạo các xã, thị trấn huyện Phúc Thọ phải tự kiểm điểm lại xem có còn tình trạng người dân ra trụ sở xã làm thủ tục hành chính phải mất tiền mới được giải quyết hay không. Nếu còn tình trạng đó, cấp ủy, chính quyền địa phương phải xử lý thật nghiêm. Đến thời điểm này mà còn tình trạng vòi vĩnh như thế là không được phép. Người dân cũng phải nghiêm, không phải cứ thấy bị gây khó dễ là đưa tiền cốt cho xong việc”. Theo Bí thư Thành ủy, mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử của thành phố là nhằm tránh người dân phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ. Nhưng để xây dựng thành công, nhất định người dân cũng phải tích cực tham gia dịch vụ công trực tuyến.

Đề cập đến các kiến nghị của người dân liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đồng chí Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, diện tích trồng lúa của Hà Nội hiện còn quá lớn. Để đạt mục tiêu tổng giá trị trên một diện tích trồng trọt đạt 250 triệu đồng/ha vào năm 2020, thành phố sẽ chuyển đổi mạnh về cơ cấu cây trồng. Nhưng để chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thành công, người dân phải là chủ thể hành động, thay đổi tư duy, chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Cấp ủy, chính quyền và người dân phải đồng lòng thực hiện mô hình tích tụ ruộng đất. Nếu chưa hình thành được ngay các mô hình tích tụ ruộng đất với diện tích lớn 200-300ha, trước mắt, huyện có thể bắt đầu từ mức 50ha, làm từng bước thận trọng, bảo đảm thành công và bền vững.


Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải giải đáp hàng loạt vấn đề cụ thể được cử tri kiến nghị


Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cũng giải đáp hàng loạt vấn đề cụ thể được cử tri kiến nghị. Trong đó, về dự án khu du lịch Hát Môn, thành phố đang phối hợp với Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch để xin hỗ trợ của Trung ương, kết hợp vốn ngân sách thành phố để thực hiện. Với dự án sinh thái Cẩm Bình - Hiệp Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan điều chỉnh quy hoạch để dự án có thể thực hiện. Thành phố cũng sẽ có ý kiến báo cáo Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giải quyết vấn đề vốn, tăng tiến độ Dự án nạo vét đường dẫn sông Đáy. Đồng chí Bí thư Thành ủy nhất trí với mong muốn của huyện về việc hình thành các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; vừa qua các dự án đều nhanh chóng được lấp đầy. Đây cũng là lời giải giúp khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế và là định hướng ưu tiên hiện nay của thành phố. 

Thẳng thắn nhận trách nhiệm về tình trạng ứ đọng rác hiện nay trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, đầu tuần tới, thành phố sẽ làm việc với các bên liên quan để giải quyết. Về lâu dài, thành phố sẽ không phát triển các bãi rác chôn lấp, thay vào đó, phát triển các bãi rác sử dụng công nghệ đốt rác và phát điện. Thành phố cũng sẽ quy hoạch các bãi rác phân bố theo các hướng, giảm quãng đường vận chuyển rác, giảm chi phí xử lý rác.

Trao đổi về kiến nghị của cử tri về thực hiện tinh giản biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, đồng chí Hoàng Trung Hải chỉ rõ, cán bộ giỏi phải được kiểm nghiệm qua kết quả công việc. Để có cán bộ giỏi thì ngoài chủ trương, đường lối của cấp ủy, chính quyền, cái chính là người dân phải cùng giám sát, HĐND tăng cường giám sát, cấp ủy đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức... Vừa qua, thành phố đã ban hành các quy định mới về đánh giá tổ chức đảng cấp trên cơ sở, tới đây sẽ tiếp tục đổi mới để việc đánh giá cán bộ chính xác, gắn với thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đồng tình với cử tri khi cho rằng để xây dựng xã hội phát triển, phải xây dựng được hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật đủ mạnh. Trong đó, mỗi người dân cần góp phần hình thành nếp văn hoá thượng tôn pháp luật, biết nhắc nhở nhau tuân thủ pháp luật, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có trên 90 xã không có tệ nạn ma tuý. Đó chính là những nơi người dân biết bảo ban, cùng nhau đoàn kết xây dựng nếp sống văn hoá, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Có được sự đồng lòng của người dân, thành phố mới có thể phát triển bền vững.

Võ Lâm - Ảnh: Bùi Tuấn