Manh mún du lịch nông nghiệp

Du lịch - Ngày đăng : 06:48, 25/09/2017

(HNM) - UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt quy hoạch Khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái nằm dọc sông Sài Gòn với tổng diện tích 4.300ha.


Từ lâu, Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (huyện Củ Chi) đã tổ chức các tour phục vụ học tập, nghiên cứu cho học sinh, sinh viên và các đoàn tham quan. Tại đây, du khách được tìm hiểu các mô hình, như: Nhà màng trồng dưa lưới, rau ăn lá; vườn hoa lan nuôi cấy mô; hồ sinh thái nuôi cá koi; rừng lâm sinh; vườn ăn quả...

Bà Trần Thị Kim Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm khai thác hạ tầng (Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh) cho biết: Năm 2013, đơn vị tiếp đón 7.000 người, năm 2017 dự kiến là 15.000 người. Du khách chủ yếu là học sinh, sinh viên trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Về du khách nước ngoài, theo bà Hằng, từ cuối năm 2016, Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh bắt đầu tiếp đoàn khách quốc tế đến từ Thụy Sĩ, Myanmar, Hàn Quốc. Dù du khách quốc tế rất thích thú nhưng vẫn còn rất ít người biết đến địa điểm này.

Tương tự, khu Nông Trang Xanh có diện tích hơn 20ha tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, được đầu tư để phát triển du lịch nông nghiệp từ năm 2010. Tuy nhiên, hơn 6 năm hoạt động mở cửa bán tour cho khách tham quan, nông trang có sức chứa trên 2.000 khách/ngày lại chủ yếu tiếp đón trẻ em, sinh viên. Bà Nguyễn Thị Thu Hường - Giám đốc Nông Trang Xanh thông tin: “Từ kinh doanh nông trại, chúng tôi đã đầu tư để phát triển lĩnh vực du lịch nông nghiệp. Thiết kế được tính tới phù hợp để tiếp đón các đoàn khách quốc tế, song khách trong nước vẫn là chủ yếu”.

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, sự kết hợp du lịch với nông nghiệp đòi hỏi phải có thời gian, có chiến lược lâu dài. Đặc biệt, cần một chính sách mạnh mẽ, rõ ràng của địa phương vì phát triển du lịch nông nghiệp liên quan đến kinh tế hàng hóa và sự vào cuộc của cộng đồng cư dân.

Đồng quan điểm, ông Trương Minh Hậu - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch TP Hồ Chí Minh nói: “Hiện các khu du lịch nông nghiệp ở ngoại thành TP Hồ Chí Minh phát triển mô hình rập khuôn giống nhau, chủ yếu phục vụ học sinh, sinh viên. Để phát triển tốt mô hình phục vụ du khách quốc tế thì các đơn vị phải nâng cao tính chuyên nghiệp và xác định được thông điệp gửi tới khách du lịch, cũng như làm tốt dịch vụ quà tặng sản vật sau khi khách đến tham quan”.

Cũng theo các chuyên gia, ngoài nỗ lực của các hộ kinh doanh du lịch nông nghiệp thì Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cần sớm xây dựng bộ tiêu chuẩn chung về sản phẩm du lịch nông nghiệp bắt đầu từ tên gọi và nội dung hoạt động, tránh lúng túng trong quản lý và quảng bá.

Đồng thời, UBND TP Hồ Chí Minh cũng nên tạo ra cơ chế thuận lợi trong chính sách vay vốn đầu tư cho các nhà vườn, điểm đến. Bên cạnh đó, Sở Du lịch có thể tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng giao tiếp với du khách, phục vụ, tiếp thị sản phẩm.

Tuệ Diễm