Chuyển biến rõ nét và lâu dài

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:56, 26/09/2017

(HNM) - Một loạt các vấn đề thời sự có liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân đã được

Đánh giá về tình hình thực hiện ở các lĩnh vực thời gian qua cho thấy kết quả đạt được đều khá rõ nét: Với lĩnh vực đất đai, thành phố đã ban hành nghị quyết chuyên đề, đã đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, đã thành lập các tổ công tác liên ngành để tháo gỡ khó khăn cho cơ sở... Kết quả từ "những con số vui" trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay xử lý hàng nghìn vụ vi phạm về đất công, đất nông nghiệp... là những điểm son rất đáng vui mừng.

Về trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị, sau hàng loạt biện pháp quyết liệt, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên khắp các địa bàn, trật tự an toàn giao thông đã có nhiều cải thiện, nhiều điểm ùn tắc được giải quyết, hầu như không còn cảnh ùn tắc kéo dài; nhiều vi phạm nổi cộm đã được xử lý kịp thời; đô thị văn minh, trật tự hơn rất nhiều.

Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn có nhiều kết quả tích cực, vai trò của cả hệ thống chính trị ngày càng nâng lên. Việc điểm tên 79 công trình chung cư có vi phạm về quy định phòng cháy, buộc phải có giải pháp khắc phục, được dư luận nhân dân đánh giá cao và thúc đẩy việc "sửa sai" ở chính các công trình này.

Tuy nhiên, đây đều là những vấn đề người dân hết sức quan tâm, nên như Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh thì "người dân thành phố đều rất mong muốn có tiến bộ, mỗi tháng, mỗi năm phải khác lên". Điều này đòi hỏi phải có sự nỗ lực hơn nữa của các ngành, các cấp, để kết quả đạt được không chỉ rõ nét mà còn mang tính bền vững, lâu dài.

Muốn vậy, việc đầu tiên là cần phải nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém.

Với vấn đề quản lý đất đai, hiện nay tình trạng sử dụng đất công, đất nông nghiệp không đúng mục đích, tình trạng lấn chiếm và xây dựng công trình trái phép còn xảy ra ở nhiều địa phương. Thậm chí có 153 vụ việc vi phạm về đất nông nghiệp; 240 vi phạm trật tự xây dựng đã rõ địa chỉ trách nhiệm nhưng còn chậm được xử lý, tiềm ẩn những phức tạp khác.

Tương tự, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội vẫn còn những diễn biến phức tạp. Số vụ tai nạn giao thông và số người chết còn cao. Ùn tắc cục bộ còn xảy ra ở nhiều nơi. Tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn tái xuất hiện ở nhiều nơi vốn từng gọn gàng sau những ngày "ra quân"...

Công tác phòng cháy, chữa cháy luôn là vấn đề nóng và còn diễn biến khó lường; nhưng ý thức và cả kiến thức của người dân về an toàn phòng cháy vẫn còn hạn chế, nguy cơ tiềm ẩn về cháy gây hậu quả nghiêm trọng vẫn còn. Không chỉ công tác tuyên truyền, mà vấn đề nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cũng còn rất nhiều điều đáng suy nghĩ...

Thực trạng đó đòi hỏi phải có những thay đổi mới về nhận thức và hành động. Phải khẳng định cho được quan điểm: Muốn đạt được kết quả theo chiều sâu, bền vững thì phương châm cao nhất là phải kiên trì trong hành động. Sự kiên trì này không thể tách rời vai trò trách nhiệm của cá nhân và tổ chức liên quan trong hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở. Nếu các cấp chính quyền không quan tâm chỉ đạo kiên quyết, còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; nếu cơ chế chính sách chưa sát thực tế... thì sẽ rất khó có thể giải quyết hiệu quả và triệt để các vấn đề vừa nêu. Cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tập thể trước từng yếu kém, hạn chế; chỉ rõ địa chỉ chịu trách nhiệm giải quyết, tiến độ thực hiện; lấy hiệu quả trong giải quyết những vấn đề dân sinh làm "thước đo" năng lực, chất lượng công tác của cán bộ, tổ chức... - ấy là những việc cần phải làm quyết liệt hơn nữa.

Khi đã thắp lên ngọn lửa, khơi dậy được "sức dân" - kết quả thu được nhất định sẽ to lớn và thật sự bền vững. 

Tuấn Kiệt