Tạo cầu nối giữa cử tri và cơ quan dân cử
Chính trị - Ngày đăng : 07:05, 26/09/2017
Thường trực HĐND huyện Ứng Hòa ứng dụng công nghệ thông tin điều hành và xử lý công việc. Ảnh: Bá Hoạt |
Những cách làm mới
Trao đổi về vai trò của thông tin, tuyên truyền hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND các quận, huyện: Hà Đông, Thường Tín, Thanh Trì, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Ứng Hòa… đều khẳng định, đây là công tác quan trọng và cần thiết, vừa giúp các đại biểu có góc nhìn toàn diện, sát thực trước khi đưa ra xem xét, quyết định; đồng thời thông qua đó để nhân dân, cử tri giám sát hoạt động của cơ quan HĐND và đại biểu HĐND.
Phó Chủ tịch HĐND huyện Ứng Hòa Trần Văn Hiền cho biết, điểm nổi bật trong công tác thông tin, tuyên truyền từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay của HĐND huyện chính là việc đưa vào vận hành phần mềm quản lý văn bản và điều hành của Thường trực; ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập địa chỉ hộp thư điện tử để trao đổi, cung cấp tài liệu, thông tin cho đại biểu HĐND huyện. Từ đó, việc xử lý, trao đổi thông tin của HĐND huyện luôn bảo đảm kịp thời, góp phần quan trọng phát huy năng lực hoạt động của đại biểu; nhất là việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá vấn đề để tham gia thảo luận, quyết định, chất vấn tại các kỳ họp; tham gia ý kiến trong hoạt động khảo sát, giám sát.
Ở huyện Thanh Trì, Phó Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Quang Hiếu cũng cho biết, ngoài cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu cho đại biểu, HĐND huyện còn tăng thời lượng tuyên truyền về hoạt động của HĐND các cấp (lịch tiếp xúc cử tri, lịch tiếp dân, kết quả kỳ họp HĐND…) trên hệ thống phát thanh từ huyện đến xã; đồng thời duy trì và thực hiện tốt quy chế phối hợp, cộng tác với các cơ quan báo chí của trung ương, địa phương để tuyên truyền các hoạt động của HĐND trong huyện.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện Thường Tín Phan Thanh Tùng chia sẻ, nét mới trong thông tin, tuyên truyền về hoạt động của HĐND huyện là viết bài thông tin qua bản tin “Thông báo nội bộ” của huyện và thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn về Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cho đại biểu từ huyện đến các xã, thị trấn. Qua đó kịp thời cung cấp thông tin cho đại biểu HĐND và cử tri.
HĐND quận Tây Hồ lại xây dựng mô hình tuyên truyền trực tiếp, tăng tính giám sát của cử tri đối với hoạt động cơ quan dân cử theo cách riêng. Đó là tại mỗi kỳ họp HĐND quận, Thường trực HĐND quận mời từ 80 đến 100 cử tri đại diện cho 8 phường cùng tham dự kỳ họp. Cử tri trực tiếp theo dõi diễn biến kỳ họp, giám sát việc điều hành của chủ tọa kỳ họp, chất vấn của đại biểu về những vấn đề dân sinh bức xúc và trả lời của UBND quận. Không chỉ dự để nghe, nếu UBND quận báo cáo không đúng về vấn đề cụ thể nào đó, cử tri còn được phép phát biểu ý kiến trao đổi ngay tại kỳ họp.
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Việc mời cử tri theo dõi trực tiếp tại kỳ họp được HĐND quận duy trì từ nhiệm kỳ 2011-2016 đến nay, tăng tính công khai, dân chủ. Vì thế, trước mỗi kỳ họp, các đại biểu HĐND quận đều phải nghiên cứu tài liệu kỹ lưỡng, để phản ánh, truyền tải trung thực, khách quan những ý kiến, kiến nghị của cử tri”.
Để tuyên truyền đầy đủ, kịp thời hơn nữa
Theo nhiều đại biểu HĐND các quận, huyện, dù tích cực thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, song không phải nơi nào, bộ phận nào cũng thực hiện hiệu quả.
Phó Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Võ Hồng Vinh cho biết, thực tế việc phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đôi lúc chưa thực sự chặt chẽ, nên còn có một số tin, bài về hoạt động của HĐND chưa đầy đủ, kịp thời; cán bộ, công chức văn phòng chưa thực sự chủ động, tích cực viết tin, bài phản ánh, tuyên truyền về hoạt động HĐND... Nguyên nhân do thiếu chuyên viên giúp việc chuyên trách trong lĩnh vực này, cán bộ kiêm nhiệm nhiều việc... Phó Chủ tịch HĐND huyện Hoài Đức Nguyễn Đăng Sơn cũng cho rằng, thông tin tuyên truyền của HĐND cấp xã vẫn chưa được thường xuyên, hiệu quả, bởi các xã, thị trấn trên địa bàn huyện chưa được trang bị, sử dụng trang thông tin điện tử để đăng tải thông tin, tuyên truyền về các hoạt động.
Cũng thừa nhận công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của HĐND các cấp trong huyện còn hạn chế, chưa có trang, mục riêng nên thiếu hấp dẫn, Phó Chủ tịch HĐND huyện Phúc Thọ Khuất Thị Thu Tuấn cho biết, để tuyên truyền hiệu quả, ngoài tăng cường thông tin hai chiều giữa đại biểu HĐND và cử tri, HĐND các cấp cần thông tin, giải thích cho cử tri về luật pháp, chính sách, nhiệm vụ của địa phương, hiểu rõ thẩm quyền của HĐND… từ đó việc giám sát, phản ánh, kiến nghị mới trúng, hiệu quả.
Thường trực HĐND nhiều quận, huyện thuộc TP Hà Nội khẳng định, thời gian tới, sẽ tiếp tục đa dạng hóa cả hình thức và nội dung thông tin, tuyên truyền về hoạt động của HĐND trên Bản tin hoạt động HĐND, Cổng giao tiếp điện tử của quận, huyện và các báo: Hànộimới, Kinh tế & Đô thị, Đại biểu nhân dân. Tuy nhiên, để nắm bắt thực trạng công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của HĐND đến với cử tri, HĐND các cấp TP Hà Nội cần tổ chức điều tra xã hội học nhằm thu thập thông tin khách quan, từ đó có những giải pháp thông tin, tuyên truyền phù hợp góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp.