An toàn lao động ở các làng nghề: Nhiều bị động, lúng túng

Đời sống - Ngày đăng : 06:59, 27/09/2017

(HNM) - Hiện nay, nhóm ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho hàng triệu người dân nông thôn.

Người lao động cần tự nâng cao nhận thức về bảo đảm an toàn khi sản xuất. Ảnh: Nhật Nam


Thờ ơ với an toàn lao động

Nhiều năm qua, đa số lao động và người sử dụng lao động tại các làng nghề nói riêng, khu vực nông thôn nói chung còn thờ ơ với vấn đề an toàn lao động, dẫn tới nhiều hệ lụy, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người lao động và chủ cơ sở sản xuất…

Đơn cử như tại làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) - làng gây "ấn tượng" với nhiều người bởi có tên khá chua xót: “Làng cụt ngón” - do tai nạn lao động khiến rất nhiều người làng nghề bị mất ngón tay, bàn tay... Chia sẻ về nghề, chị Nguyễn Thị Ngoãn (công nhân tại Công ty cổ phần cơ khí Thăng Long tại địa bàn xã) cho biết: “Công việc của tôi là đứng máy đột dập. Làm việc này phải tập trung cao, chỉ lơ đãng một chút là có thể đưa tay vào máy”. Cũng tại cơ sở sản xuất này, nhiều lao động thường xuyên tiếp xúc với những tấm inox sắc lẹm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động rất cao, nhưng đáng ngại là công nhân không sử dụng bảo hộ lao động, dù đã được trang bị… Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy Nguyễn Đức Tuế cho hay: Cả xã có 2.300 hộ làm nghề (chiếm 90% tổng số hộ), trung bình mỗi tháng có 5 trường hợp tai nạn lao động: Nát ngón tay, đứt tay... ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng và tốn kém chi phí điều trị.

Tương tự, xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) là địa phương có nghề mộc phát triển. Qua quan sát tại cơ sở sản xuất đồ mộc Thiết Nhàn, khoảng 30 công nhân đang miệt mài cưa, xẻ gỗ… trong không gian chật chội, nguyên liệu chất kín lối đi, bụi bay mù mịt, song chỉ có số ít công nhân sử dụng khẩu trang, còn đa số không sử dụng bất kỳ loại bảo hộ lao động nào. Anh Nguyễn Thế Nhật (công nhân đang làm việc tại cơ sở) chỉ vào những vết sẹo trên tay, phân trần: “Chúng tôi thường xuyên bê gỗ, sử dụng máy cưa, cắt nên tai nạn lao động là chuyện thường, nhưng nếu sử dụng găng tay, bảo hộ lao động thì rất khó làm việc”.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, năm 2016, toàn thành phố xảy ra 225 vụ tai nạn lao động. Từ đầu năm đến nay, số vụ tai nạn lao động có xu hướng giảm, nhưng mức độ nghiêm trọng của các vụ tai nạn lại tăng. Một trong những vụ nghiêm trọng đó là cháy xưởng sản xuất bánh kẹo của hộ ông Trần Văn Được ở xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức) ngày 29-7-2017 đã làm 8 người chết…

Sớm có giải pháp thiết thực


Làng nghề cơ kim khí xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) là nơi thường xuyên xảy ra tai nạn lao động.


Về vấn đề mất an toàn lao động tại các làng nghề thủ công, cán bộ phụ trách lĩnh vực an toàn lao động các địa phương cho biết: Hoạt động sản xuất, kinh doanh ở làng nghề phát triển khá sôi động, nhưng chủ yếu theo quy mô gia đình. Việc đầu tư cơ sở sản xuất đáp ứng yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động rất khó vì ít vốn. Hơn nữa, lao động tại đây thường là có mối quan hệ gia đình, hàng xóm với người sử dụng lao động nên luôn có tâm lý “tin nhau” và thỏa thuận miệng mà không có hợp đồng lao động đi kèm. Không có hợp đồng lao động, đương nhiên vấn đề an toàn lao động khó có cơ hội đặt ra.

Mặt khác, do nhiều nguyên nhân, việc tập huấn kiến thức về an toàn lao động trong cơ sở làm nghề còn rất ít. Sự chủ quan cùng nhận thức chưa đầy đủ về an toàn lao động dẫn đến việc hầu như người lao động và chủ cơ sở sản xuất không chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng, trang phục bảo hộ phòng, tránh tai nạn lao động…

Để vấn đề an toàn lao động vùng nông thôn được cải thiện rõ rệt hơn, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Bình đề nghị: Các cơ quan chức năng cần thường xuyên tổ chức tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động; đồng thời có chế tài xử lý đủ mạnh đối với các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động; phòng, chống cháy nổ phải được tiến hành trước khi các cơ sở sản xuất hoạt động. Hơn nữa, cần tuyên truyền để người lao động nâng cao ý thức chủ động phòng, tránh tai nạn bằng những biện pháp hỗ trợ cần thiết. Đặc biệt, phải làm sao để người lao động hiểu rõ quyền lợi khi yêu cầu chủ cơ sở thực hiện điều kiện pháp lý cần thiết, như: Cùng ký hợp đồng lao động kèm các điều khoản cam kết bảo đảm an toàn lao động, môi trường làm việc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động.

Có thể nói, an toàn lao động tại các làng nghề, vùng nông thôn hiện nay cần được quan tâm từ nhiều phía. Tuy nhiên, yếu tố tiên quyết vẫn là nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động trên cơ sở thực hiện đúng những quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động hiện hành.

Ông Bạch Quốc Việt, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội): "Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần đưa ra giải pháp mang tính tổng thể về an toàn lao động khu vực nông thôn, nhất là tại làng nghề. Cùng với công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra về an toàn lao động, trong quá trình quy hoạch phát triển làng nghề, chính quyền nên bố trí các cơ sở sản xuất cùng nghề theo khu vực tập trung, tạo thuận lợi đồng bộ về đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, hệ thống xử lý chất thải... Từ đó, sẽ bảo đảm hơn về an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Cách làm này cũng tạo sự tập trung vốn theo nguyên tắc “cùng đầu tư, cùng sử dụng”, vừa giảm chi phí cho các hộ, vừa tạo hiệu quả tích cực cho khu vực sản xuất”.

Nguyễn Mai - Minh Ngọc