An toàn giao thông với người đi xe máy: vẫn nhiều âu lo
Giao thông - Ngày đăng : 22:02, 27/09/2017
Hội thảo quốc tế “An toàn giao thông đường bộ và những giải pháp dành riêng cho xe máy”. |
Nhiều lợi ích nhưng lắm rủi ro
Đây là những ý kiến được TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia chia sẻ, trong khuôn khổ hội thảo quốc tế “An toàn giao thông đường bộ và những giải pháp dành riêng cho xe máy” diễn ra vào chiều 26-9 tại Hà Nội. Theo TS Khuất Việt Hùng, mô tô và xe máy có lợi thế rất lớn về tính cơ động, giá thành rẻ, phù hợp cấu trúc đô thị nhiều đường ngõ ngách… dễ dàng đưa người sử dụng tiếp cận các điểm mong muốn, phục vụ công việc cũng như các nhu cầu phát sinh trong cuộc sống. Tuy nhiên, song song với nó là những hệ lụy nhất định, mà đáng ngại nhất là tai nạn giao thông phát sinh do xe máy lưu thông thiếu trật tự cũng như mối đe dọa từ nhiều phương tiện cỡ lớn khác.
Nhìn một cách sâu hơn, với số lượng ô tô và xe máy chênh lệch lớn như đã nêu ở phần đầu bài viết, tuy nhiên những người lái ô tô gây ra khoảng 25% số vụ TNGT. Trong khi đó, những người điều khiển xe máy gây ra khoảng 69% số vụ TNGT. Dù nhiều người cho rằng con số này cho thấy người đi xe máy dường như có ý thức kém và gây tai nạn giao thông nhiều, nhưng trong bối cảnh xe máy chiếm khoảng 94% số phương tiện giao thông đang lưu hành, tỉ lệ rủi ro cao hơn là điều không thể tránh khỏi. Trong khi đó, ô tô dù chỉ chiếm khoảng 6% số lượng phương tiện nhưng gây ra 25% số vụ TNGT.
Thực tế này cho thấy những người đi ô tô tại Việt Nam nguy hiểm hơn người điều khiển xe máy, như TS Khuất Việt Hùng nhận định. Tuy nhiên, ở đây lại tồn tại một nghịch lý. Dù ô tô gây ra 25% số TNGT nhưng nạn nhân là người đi ô tô lại chỉ ở mức 10%, còn lại nạn nhân đi xe máy lên tới trên 82%. Như vậy có thể thấy khi tham gia giao thông, người đi xe máy luôn thiệt thòi và cần được quan tâm bảo vệ, bao gồm cả việc tổ chức giao thông cho tốt và an toàn hơn đối với loại phương tiện phổ biến hàng đầu tại Việt Nam này.
Cần có giải pháp đồng bộ để tăng cường an toàn cho người đi xe máy
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP Hồ Chí Minh) cho rằng, công tác kiện toàn cơ sở hạ tầng cho xe máy ở Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng vẫn còn một số khó khăn. Trong đó, những rào cản lớn nhất bao gồm việc chưa có quy chuẩn cụ thể về hạ tầng dành cho xe máy tham gia giao thông. Đối với phương tiện, ông Đường cho biết hiện nước ta cũng chưa có quy định về tuổi thọ xe máy, cũng chưa yêu cầu kiểm định theo định kỳ với xe máy. Điều này khiến việc đảm bảo chất lượng phương tiện tham gia giao thông gặp khó khăn.
Đề xuất một số giải pháp cải thiện an toàn khi tham gia giao thông cho xe máy, ông Ngô Hải Đường đã nêu một số mô hình của các nước trong khu vực đang được TP Hồ Chí Minh lựa chọn và dự kiến áp dụng như: Triển khai các tuyến đường bộ, giải pháp tổ chức giao thông đảm bảo ATGT đường bộ cho người đi xe máy (như tách xa làn xe tải và làn xe máy, hạn chế xe tải lưu thông trong nội đô); quản lý bãi đỗ xe gắn máy bằng các biện pháp kỹ thuật, chính sách thuế, phí...
Về phần mình, với tham luận “Vị trí, vai trò của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) và kết quả xử lý các chuyên đề vi phạm quy định về mũ bảo hiểm, nồng độ cồn”, Thiếu tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Hướng dẫn Tuần tra, Kiểm soát GTĐB, Cục CSGT, Bộ Công an, cũng nhấn mạnh tới tính hiệu quả của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tuần tra, kiểm soát, đặc biệt là xử lý vi phạm trật tự, đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông nói chung và những người đi xe máy nói riêng.
Những bài học từ bạn bè quốc tế
Góp ý kiến vào bài toán chung của Việt Nam, bà Mei-chu Shih, đại diện Hiệp hội sản xuất xe máy Đài Loan (Trung Quốc) cho rằng, việc triển khai hệ thống giao thông thông minh, tiên tiến và chiến lược quản lý xe máy nhằm đảm bảo an toàn giao thông là điều đáng để cân nhắc. Theo chuyên gia này, tuy đường phố tại Việt Nam luôn nhiều xe máy nhưng thực tế, Việt Nam vẫn đứng sau Đài Loan về tỉ lệ xe máy lưu thông trên đường. Theo thống kê, số lượng môtô, xe máy đã đăng ký ở Việt Nam, bình quân cứ 1.000 người dân sở hữu khoảng 460 xe máy (thấp hơn nhiều so với mức 676 xe máy/ 1.000 dân của Đài Loan). Theo bà Shih, dù có mật độ xe máy lưu thông rất cao nhưng Đài Loan lại quy hoạch hạ tầng giao thông khá tốt, với một số điểm đáng chú ý như: Khu vực chờ rẽ trái 2 giai đoạn dành cho xe máy tại giao lộ, khu vực chờ/dừng của xe máy, đường dành riêng/ưu tiên cho xe máy, Bên cạnh đó, người dân có ý thức cao trong việc chấp hành luật giao thông. Họ luôn đi đúng làn đường, để xe đúng nơi quy định. Do đó, lượng xe dù nhiều nhưng giao thông không hỗn loạn, đường phố vẫn trật tự, không lộn xộn như ở Việt Nam. Nếu vi phạm giao thông, cơ quan chức năng chỉ cần gửi hóa đơn đến nhà, quá hẹn nộp sẽ bị phạt lũy tiến và quá 1 năm sẽ bị tịch thu xe sung công quỹ… Đây đều là những kinh nghiệm quý giá đáng để học hỏi.
Về phần mình, ông Hisaji Kuroda, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Nhật Bản (JAMA) cho rằng, cũng có thể xem xét đưa ra các quy định như: Yêu cầu người đi xe máy phải mặc quần áo có chất liệu phản quang, song song với các trang bị an toàn bắt buộc; đề xuất xe máy phải có các trang bị an toàn cơ bản (như phanh ABS/CBS, đèn chạy ban ngày…); thắt chặt công tác đào tạo; thường xuyên kiểm tra kĩ năng lái xe…
Xe máy cần được quan tâm chấn chỉnh khi lưu thông nhằm đảm bảo an toàn. |
Có thể khẳng định rằng những bài học kinh nghiệm, đề xuất hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực, đặc biệt dành cho Việt Nam tại hội thảo là rất đáng ghi nhận. Hội thảo không chỉ là cơ hội để các quốc gia thành viên ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong công tác quản lý và bảo đảm ATGT, mà còn nhìn rõ những khó khăn, thách thức về giao thông Việt Nam đang đối mặt. Điều đó cũng rất có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân và đưa ra lộ trình cấm xe máy tại một số thành phố lớn nhằm kéo giảm tai nạn, ùn tắc giao thông.