Minh bạch tài sản để phòng, chống tham nhũng
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 07:23, 28/09/2017
Cử tri quận Hoàn Kiếm chất vấn về công tác phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Thái Hiền |
Xác minh tài sản, thu nhập của người đứng đầu
Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 của Thanh tra Chính phủ cho thấy, trong số hơn 1,1 triệu người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016, có 77 người được xác minh tài sản, thu nhập thuộc các bộ, ngành, địa phương. Qua xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có những cán bộ cấp cao. Kiểm tra tại 3.622 cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ quan thanh tra đã phát hiện 22 đơn vị có vi phạm.
Những tháng đầu năm 2017, đã có 25 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật, trong đó nhiều nhất là tỉnh Kiên Giang với 9 người, An Giang 4 người, Hậu Giang 3 người, Bộ Tài chính 2 người… Những số liệu này cho thấy, một bộ phận cán bộ, đảng viên là người đứng đầu chưa làm tốt vai trò nêu gương về tinh thần liêm khiết, thậm chí có hành vi tham nhũng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao bốn phẩm chất: Cần, kiệm, liêm, chính. Nếu như “cần” và “kiệm” là những phẩm chất cần có trong đời sống, công tác của mọi người thì “liêm” và “chính” là những phẩm chất nhất thiết phải có của người cán bộ khi thi hành công vụ, trong đó "liêm" là phẩm chất đầu tiên. Người khẳng định: “Những người trong công sở phải lấy chữ “liêm” làm đầu”. Phải đặt “liêm” lên hàng đầu mới kiến tạo được một chính phủ liêm chính. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “liêm” là liêm khiết: “Không tham ô và luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân”.
Tuy nhiên, việc thiếu liêm khiết, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên trên thực tế đã trở thành vấn đề gây bức xúc dư luận. Nhận xét về vấn đề này, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng cho rằng, tham nhũng hiện là thách thức của toàn cầu. Tham nhũng không những gây hại cho hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, suy giảm niềm tin, gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực xã hội mà còn cản trở các nỗ lực giảm nghèo và phát triển đất nước. Chính vì vậy, việc xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ cấp cao và thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục hậu quả, trả lại những thiệt hại mà tham nhũng gây ra. Đây cũng là một trong những thước đo hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng mà Đảng ta đang triển khai.
Thực tế cho thấy, tham nhũng gây thiệt hại lớn, nhưng việc thu hồi tài sản rất khó khăn. Theo báo cáo trong năm 2017, Tổng cục Thi hành án dân sự đã thụ lý mới 128 vụ việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương đương với số tiền hơn 5.110 tỷ đồng, giải quyết xong 86 vụ việc, số tiền, tài sản thu được chỉ tương đương hơn 1 nghìn tỷ đồng.
Cán bộ phải gương mẫu
Kê khai tài sản là một giải pháp quan trọng phòng, ngừa tham nhũng, thể hiện sự liêm khiết của cán bộ. Để kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 85-QĐ/TƯ nhằm kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định của Bộ Chính trị không chỉ khẳng định việc cán bộ, người đứng đầu phải nêu gương trong việc thực hành liêm khiết mà còn khẳng định không có “vùng cấm” trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Tại TP Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng cho biết, sắp tới Ban Thường vụ Thành ủy sẽ thông qua kế hoạch thực hiện kiểm tra việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ quản lý. Đây được coi là biện pháp quan trọng để tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn Thủ đô.
Về việc ngăn chặn hành vi tham nhũng của một bộ phận cán bộ, người đứng đầu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Nguyễn Đình Quyền cho rằng, không thể quá kỳ vọng vào sự tự giác của cán bộ, đảng viên trong kê khai tài sản, nộp lại quà tặng hay thực hiện minh bạch liêm chính mà cần phải có cơ chế kiểm soát. Chỉ khi có cơ chế kiểm soát thì cán bộ, người đứng đầu mới không muốn, không dám và không thể tham nhũng.
Trong bài viết “Thế nào là Liêm?” đăng trên Báo “Cứu Quốc” ngày 1-6-1949, Bác Hồ đã khẳng định, pháp luật phải ra tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ bất liêm ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì. Mọi người phải nhận rằng tham lam là một điều xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân... Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từng cán bộ, đảng viên trong diện kê khai tài sản cần phải gương mẫu đi đầu, thực hiện trung thực, đúng các quy định. Đồng thời, các cơ quan chức năng, các cấp ủy phải nêu cao vai trò của mình trong việc kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm nhằm đẩy lùi tham nhũng.