Quyết giải “bài toán” an ninh hóc búa

Thế giới - Ngày đăng : 06:26, 29/09/2017

(HNM) - Sau hơn 1 tháng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chiến lược mới đối với Afghanistan, ngày 27-9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã tới quốc gia Nam Á này để triển khai những kế hoạch giải “bài toán an ninh hóc búa”,

Sau 16 năm Mỹ phát động cuộc chiến tại Afghanistan, tình hình an ninh tại nước này vẫn là thách thức lớn.



Có thể khái quát 5 điểm được nhấn mạnh trong chiến lược mới của chính quyền Tổng thống D.Trump tại Afghanistan. Thứ nhất, “bật đèn xanh” cho Bộ Quốc phòng duy trì binh sĩ Mỹ với mục tiêu tăng cường can dự an ninh tại đây. Thứ hai, tăng quyền tự quyết cho các lực lượng chiến đấu tại Afghanistan - điểm thay đổi lớn nhất so với chiến lược của người tiền nhiệm Barack Obama - vốn đặt ra các giới hạn trong tác chiến. Thứ ba, tiến hành đối thoại chính trị nhằm đưa lực lượng Taliban vào bàn đàm phán để có thể tiến tới một giải pháp toàn diện ở Afghanistan. Điểm thứ tư là, tập trung tăng sức ép với Pakistan, buộc Islamabad có những biện pháp mạnh và hữu hiệu để chặn đứng hoạt động tiếp tay cho quân khủng bố tại Afghanistan. Khía cạnh thứ năm được Tổng thống D.Trump nhấn mạnh là, hướng đến mục tiêu cuối cùng giành chiến thắng tại Afghanistan chứ không chỉ tập trung vào việc “đưa lính Mỹ về nhà” như cựu Tổng thống B.Obama đã tuyên bố.

Một chiến lược duy trì hiện diện quân sự tại Afghanistan được cho là có ý nghĩa lớn với Washington, nhất là khi Mỹ cùng Nga đều giữ vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố tại "chảo lửa Trung Đông", với hai "điểm nóng" Syria và Iraq. Suốt nhiều năm qua, dù được Mỹ và các nước đồng minh hỗ trợ, nhưng Afghanistan vẫn trong tình trạng an ninh hỗn loạn, đồng thời bộc lộ sự yếu kém trong điều hành các chiến lược nhằm vãn hồi trật tự. Thậm chí, phiến quân Taliban - từ thế là tàn quân - đã trỗi dậy mạnh mẽ tại nhiều địa phương, tiến hành hàng loạt vụ tấn công, đe dọa nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân. Cụ thể, sau gần 16 năm Mỹ phát động cuộc chiến tại Afghanistan, chính quyền Kabul vẫn chỉ kiểm soát được khoảng 60% lãnh thổ. Lỗ hổng an ninh “phình to” càng khiến số thường dân thiệt mạng và bị thương tăng mạnh.

Ngoài ra, các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang bị truy quét ráo riết tại Syria và Iraq có thể tìm kiếm các căn cứ mới, trong đó có Afghanistan, là nguy cơ hiển hiện. Để "tiếp sức" cho cuộc thánh chiến của mình, IS không quên kích động, móc nối, cổ xúy các mạng lưới khủng bố, các chân rết trên phạm vi toàn cầu thực hiện các vụ tấn công mới nhằm vào các mục tiêu của Mỹ và phương Tây. Trong bối cảnh như vậy, có thể thấy, Mỹ không có nhiều lựa chọn dù đã “sa lầy” quá lâu ở Afghanistan. Việc lãng quên quốc gia bị bạo lực tàn phá này sẽ dẫn đến sự thất bại toàn diện, đồng thời đối mặt với nguy cơ lâu dài về khủng bố và cực đoan.

Tuy nhiên, sứ mệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Afghanistan không hề đơn giản. Các đời tổng thống Mỹ tiền nhiệm, từ cựu Tổng thống George W.Bush đến cựu Tổng thống B.Obama, đã đưa ra những cách tiếp cận khác nhau nhằm sớm khép lại cuộc chiến dai dẳng tại quốc gia Nam Á, song kết quả đều không như mong đợi. Ngay trong thời gian ông J.Mattis ở thủ đô Kabul, các nhóm phiến quân đã thực hiện nhiều cuộc tấn công nhằm gây sức ép đối với ông chủ Lầu Năm Góc. Điều này cho thấy, không dễ để chính quyền của Tổng thống D.Trump thực thi một giải pháp hiệu quả, xử lý dứt điểm "bài toán" an ninh tại Afghanistan.

Quỳnh Dương