Mạng xã hội không thể vô can trước nạn tin giả

Đời sống - Ngày đăng : 07:11, 29/09/2017

(HNM) - Mạng xã hội được đánh giá là thành tựu mới của loài người. Đến nay, tỷ lệ thông tin tích cực trên mạng xã hội, mà chủ yếu ở Facebook, Google chiếm đa số, chỉ một tỷ lệ nhỏ thông tin có nội dung xấu, độc, giả mạo. Song, số ít đó lại gây hoang mang sâu sắc cho xã hội, kéo theo hệ lụy khôn lường. Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp chủ quản mạng xã hội có vô can?


Nhiều nước quản lý mạng xã hội

Sở dĩ Facebook được nhắc đến nhiều bởi mạng này đang quản lý khoảng 2 tỷ người dùng, riêng tại Việt Nam có tới 48 triệu tài khoản. Ngoài ra, theo các chuyên gia công nghệ, tin xấu, độc, giả mạo bắt nguồn và lan truyền từ các đối tượng có quảng cáo trên Facebook, nhằm mục đích "câu view". Lợi dụng chế độ điều hướng theo xu hướng tìm kiếm của Facebook, các đối tượng sẽ lập tin giả, xấu, độc và đưa lên mạng xã hội. Bên cạnh đó, Facebook còn cung cấp dịch vụ chăm sóc tài khoản, fanpage; chủ tài khoản bỏ từ vài trăm nghìn đồng đến cả triệu đồng để mua lượt like (thích) cho mỗi dòng trạng thái được chia sẻ. Cho nên, các đối tượng tung tin có thể mua like ảo cho tin xấu, độc, giả mạo để lôi kéo người đọc.

Câu hỏi đặt ra là nhà cung cấp nền tảng công nghệ, như Facebook có trách nhiệm thế nào trước việc thông tin giả, xấu xuất hiện tràn lan? Qua tìm hiểu cho thấy, đến nay Facebook dường như chỉ quan tâm đến việc thu tiền từ quảng cáo, mà không để tâm tới nội dung thông tin ảnh hưởng đến cộng đồng. Bằng chứng là hàng loạt quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển đã ban hành quy định để “siết” hoạt động của Facebook, Google. Tại Đức, ngày 30-6-2017, nghị viện đã thông qua Luật Thi hành mạng (còn gọi là Luật Facebook) có hiệu lực từ tháng 10-2017, cho phép phạt công ty cung cấp mạng xã hội tới 50 triệu EUR nếu không xóa bỏ bình luận mang tính thù địch và kỳ thị mà Đức xếp vào diện vi phạm pháp luật. Ủy ban Châu Âu (EC) đã yêu cầu 3 tập đoàn Facebook, Twitter, Google phải có biện pháp ngăn chặn thông tin lừa đảo, gian lận xuất hiện trên các trang này; đồng thời phải truy quét các chương trình quảng cáo mang tính lừa đảo cộng đồng. Liên minh Châu Âu (EU) thông qua đề xuất, buộc các mạng xã hội xử lý nội dung có tính thù hận...

Vì sao Facebook phớt lờ các quy định?

Có thể thấy, yêu cầu các tập đoàn công nghệ, như Google, Facebook phải có trách nhiệm trước thông tin đưa trên nền tảng của mình cũng là yêu cầu chung của toàn thế giới. Tại Việt Nam, việc quản lý các hoạt động này được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) thực hiện. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lê Quang Tự Do - Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, theo đề nghị của Bộ TT-TT, Google đã gỡ bỏ 3.259 video clip xấu, độc trên Youtube; Facebook gỡ bỏ 107 tài khoản giả mạo, 394 link rao bán, quảng cáo sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, 137 tài khoản nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền chống phá Nhà nước.

Song, cũng theo ông Lê Quang Tự Do, hiện chỉ có Google được đánh giá phối hợp tích cực. Còn Facebook, sau khi làm việc với Bộ TT-TT tháng 3-2017, họ cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam và có phối hợp ban đầu, nhưng hiện tại lại không phản hồi khi cơ quan quản lý gửi các link thông tin xấu, độc, sai sự thật...

Viện dẫn lý do khác biệt về quan điểm chính trị, cách nhìn nhận… Facebook từ chối thực hiện yêu cầu của cơ quan quản lý Việt Nam. Trong khi, Facebook lại đang chiếm thị phần lớn quảng cáo trực tuyến tại nước ta, với doanh thu lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Việc không đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam, không chịu sự kiểm duyệt nội dung thông tin cung cấp từ các cơ quan chức năng, đã gây bất bình đẳng trong cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước. Vì thế, không thể nói Facebook không có trách nhiệm trước thông tin xấu, độc.

Châu Anh